Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 04/04/2025 09:20 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cấp tỉnh sáp nhập xong sẽ vận hành sau ngày 30/8

Ngày 1/7 là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành, ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị sau khi sáp nhập sẽ đi vào hoạt động chung.

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4 tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện. Hội nghị ngày 16/4 cũng sẽ xác định các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tòa án và viện kiểm sát.

Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Thành Đông
Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Thành Đông.

Theo đó, từ ngày 01/5, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét. Bộ Nội vụ sẽ hỗ trợ các bộ, ngành điều chỉnh các văn bản pháp luật để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ trưởng Nội vụ đề nghị người đứng đầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ để hoàn thành việc tham mưu, đặc biệt trong việc sắp xếp và vận hành chính quyền địa phương hai cấp khi bỏ cấp huyện.

Về xây dựng thể chế, Bộ trưởng Nội vụ yêu cầu toàn ngành tập trung hoàn thiện khối lượng chính sách rất lớn như vấn đề việc làm, tiền lương; rà soát chính sách liên quan đến phụ cấp, phụ cấp đặc thù, lương tối thiểu vùng để tham mưu, đề xuất sửa những nghị định cụ thể.

Ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy sau khi sắp xếp, tổ chức lại sẽ đi vào hoạt động chung. Ảnh minh họa
Ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy sau khi sắp xếp, tổ chức lại sẽ đi vào hoạt động chung. Ảnh minh họa.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã hoàn tất các dự thảo nghị quyết cũng như luật sửa đổi liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được triển khai thực hiện tới đây.

Trong đó, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng được Bộ Nội vụ dành một điều quy định 22 nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong đó có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới, trong đó nêu rõ chủ tịch UBND được giao lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của UBND. Chủ tịch tỉnh cũng là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.

Chủ tịch tỉnh sẽ chỉ định các chức danh lãnh đạo cấp xã sau sáp nhập (đề xuất). Ảnh minh họa
Chủ tịch tỉnh sẽ chỉ định các chức danh lãnh đạo cấp xã sau sáp nhập (đề xuất). Ảnh minh họa.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh còn có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình và ở cấp dưới. Đồng thời chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách của địa phương.

Liên quan đến bộ máy, nhân sự, người đứng đầu UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.

Cùng chuyên mục

Từ 01/6 chỉ cấp mới thẻ BHYT giấy đối với một số trường hợp
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 168/BHXH-QLT hướng dẫn BHXH các khu vực; BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng phôi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó đáng chú ý, từ ngày 01/6/2025, cơ quan BHXH chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với ba trường hợp.

Tin mới