Lạng Sơn: Công ty lợi nhuận trăm triệu trúng thầu dự án nghìn tỷ
Công ty TNHH Hà Sơn dù lợi nhuận lẹt đẹt vài trăm triệu một năm nhưng liên tục trúng nhiều gói thầu giá trị. Gần đây nhất là dự án Khu đô thị Mai Pha với tổng số vốn đầu tư lên đến 2.990 tỷ đồng.
Những con số biết nói
Theo tìm hiểu của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Công ty TNHH Hà Sơn được thành lập từ ngày 26/7/1995 do ông Vũ Đình Hồng làm người đại diện theo pháp luật, có địa chỉ trụ sở tại số 94, đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.
Báo cáo tài chính cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018, tổng tài sản của Công ty TNHH Hà Sơn liên tục tăng đạt 544,1 tỷ đồng năm 2016, năm 2017 tổng tài sản là 608,9 tỷ đồng, đến năm 2018, doanh nghiệp có tổng tài sản tăng ở mức tăng mức 722,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản phải thu của doanh nghiệp cũng tăng song hành cùng với tổng tài sản, luôn ở mức ½. Cụ thể, năm 2016, các khoản phải thu ngắn hạn là 265,8 tỷ đồng, năm 2017 đạt 318,6 tỷ đồng, năm 2018 khoản phải thu ngắn hạn cũng căng lên là 338,2 tỷ đồng.
Hàng tồn kho qua các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là 76,8 tỷ đồng; 89,4 tỷ đồng (gồm nguyên liệu, vật liệu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) và 114 tỷ đồng.
Nợ phải trả ghi nhận năm 2016 là 53,7 tỷ đồng, năm 2017 đạt 118,9 tỷ, năm 2018 tăng lên là 231,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt 101,3 tỷ đồng, năm 2017 là 161,4 tỷ đồng, năm 2018 tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đạt 116,5 tỷ đồng. Kèm theo đó, giá vốn hàng bán cũng ở mức cao: 97,7 tỷ năm 2016 và 154,7 tỷ năm 2017.
Theo Bảng cân đối kế toàn thì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 của Hà Sơn là 430,6 triệu đồng, con số này đầu năm 2016 là 346,4 triệu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến năm 2017 có tăng so với năm 2016, đạt 578,2 triệu đồng. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tiếp tục tăng so với năm 2016, 2017, nhưng chỉ đạt 697 triệu đồng.
Lợi nhuận trăm triệu doanh nghiệp trúng thầu dự án nghìn tỷ
Qua báo cáo tài chính các năm 2016, 2017, 2018 có thể thấy rõ, Công ty TNHH Hà Sơn là một doanh nghiệp có quy mô nhỏ với tổng tài sản trăm tỷ, nhưng lợi nhuận chỉ lẹt đẹt vài trăm triệu một năm.
Thế nhưng theo thông tin Đấu thầu, thời gian qua Công ty TNHH Hà Sơn (Lạng Sơn) đã trúng 6 gói thầu với 2 gói thầu có giá trị trên 50 tỷ đồng. Một trong 2 gói thầu lớn này thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Gói thầu Thi công xây lắp công trình (hạng mục nền, mặt đường, cầu tràn, đảm bảo giao thông) + dự phòng thuộc Dự án Đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định, giá trúng thầu là 217 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này thường lựa chọn hình thức liên danh để thực hiện các dự án. Đơn cử như việc liên danh với Công ty CP Xây dựng Thành Sơn để trở thành chủ đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu tái định cư và dân cư nông thôn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn trị giá 357 tỷ đồng hay việc “bắt tay” với Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (CIENCO 1) cạnh tranh gói thầu LS 02 Xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Hoa Thám - Quý Hòa - Vĩnh Yên, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn trị giá 167 tỷ đồng.
Mới đây nhất, liên danh của công ty này và một đơn vị đã trúng thầu Khu đô thị Mai Pha (xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) với mức đầu tư lên đến 2.990 tỷ đồng.
Theo đó, dự án có khoảng 2.100 căn hộ ở xã hội cao tầng, nhà ở liền kề 2.457 hộ, nhà ở biệt thự 264 hộ, nhà tái định cư 119 hộ, nhà ở xã hội 152 hộ thấp tầng theo kiểu chia lô, quy mô dân số lên đến 9.621 người.
Liệu đấu thầu đã thực sự công khai, minh bạch?
Liên quan đến những thắc mắc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
TS. Đặng Đình Đào cho rằng: Câu chuyện những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ bằng cách nào đó trúng thầu dự án lớn, phất lên từ việc xây các khu đô thị, xây chung cư, buôn bán bất động sản… khá phổ biến tại Việt Nam.
“Nhà nước thực hiện chủ trương huy động khối doanh nghiệp tư nhân thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng vào các công trình nhưng thực chất vốn huy động của các doanh nghiệp này lại rất ít, chủ yếu vay từ các ngân hàng, thậm chí có những công trình vay ngân hàng nhưng được nhà nước bảo lãnh, để rồi thắng thầu nhưng dự án bỏ đó, kéo dài, dự án treo”, TS. Đặng Đình Đào nói.
Đối với trường hợp của Công ty TNHH Hà Sơn, TS. Đặng Đình Đào khẳng định, doanh nghiệp này có quy mô trên 700 tỷ mà lợi nhuận có vài trăm triệu, cho thấy đồng vốn của công ty này tạo ra doanh thu thấp.
Từ đó TS. Đào đặt câu hỏi “Vậy thì họ huy động vốn từ đâu để thực hiện dự án quy mô cả nghìn tỷ đồng? Thực tế họ không có vốn, phải vay ngân hàng hay như thế nào? Lựa chọn nhà đầu tư phải tính toán đến cái đó”.
Bên cạnh đó, ông Đào tỏ ra nghi ngờ tính công khai, minh bạch của công tác đấu thầu hiện nay: “Đấu thầu thực tế công khai minh bạch, nhưng doanh nghiệp như vậy trúng thầu đã thực sự minh bạch hay chưa? Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về vốn vay thực hiện dự án”.
Vậy Hà Sơn đã chứng minh nguồn lực tài chính tham gia đấu thầu như thế nào? Ngân hàng nào thực hiện bảo lãnh dự thầu cho doanh nghiệp trên? Câu hỏi này sẽ được chúng tôi chuyển đến các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn.