Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 11/11/2020 09:41 (GMT+7)

Loại cây 'hút tài lộc' ai cũng thích trồng nhưng chứa chất độc cực mạnh cần cảnh giác

Cây cảnh có tác dụng trang trí nhà cửa, lọc không khí bẩn, nhưng nếu không thận trọng, chúng có thể gây nguy hiểm cho các gia đình có trẻ nhỏ.

Trẻ đau họng, sưng mồm khi cắn phải lá cây kim tiền

Gần đây, người dùng mạng xã hội chia sẻ về trường hợp trẻ nhỏ ngộ độc khi nghịch lá cây cảnh. Theo đó, một cháu bé 6 tuổi trong lúc chơi đã bứt lá cây kim tiền bỏ vào miệng. Khi thấy cháu đột nhiên la khóc, kêu đau họng và khạc nhổ liên tục, gia đình mới phát hiện chiếc lá cây kim tiền có vết cắn vứt dưới đất. 

Ngay sau đó, cháu đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng run toàn thân, vùng da mặt bên dưới mắt bị xuất huyết dưới da. Sau khi kết luận cháu bị ngộ độc lá cây kim tiền, các bác sĩ tại Bệnh viện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đã tiến hành xúc rửa miệng, cho dùng thuốc kháng histamin và bọc niêm mạc dạ dày cho cháu.

Do cắn lá kim tiền trong lúc đùa nghịch, một đứa trẻ 6 tuổi đã phải nhập viện vì ngộ độc. (Nguồn: NoBiTa)

Bài đăng đã nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Một số tài khoản Facebook cũng khẳng định, lá cây kim tiền có độc và có thể gây những tai nạn đáng tiếc.

Trước mèo con nhà mình có ăn phải lá này và chết cứng đơ luôn".

“Một lần tôi đi ngang và quẹt trúng phần nhựa thân cây. Ngứa không tả nổi, cảm giác rất nóng như axit nhẹ.”

“Kim ngân, kim tiền nhựa đều rất nguy hiểm. Nên khi khách hỏi muốn mua cây kim tiền đều phải tư vấn xem nhà có trẻ con không và vấn đề lưu ý khi chăm sóc cho cây mà. Khổ thân bé.”

Đây không phải lần đầu tiên có trẻ em ngộ độc vì cắn phải lá cây kim tiền. Năm ngoái, một bé 15 tháng tuổi cũng đã phải nhập viện vì sưng mồm, rát họng sau khi bỏ lá cây kim tiền bỏ vào miệng. Bố bé nhanh trí lấy một lá kim tiền và nhấm thử để cảm nhận con đang bị gì. Anh cho biết, bản thân mình là người lớn mà còn cảm thấy bỏng rát như nếm phải chất axit, huống chi là trẻ con.

Tại Việt Nam, cây kim tiền được khá nhiều văn phòng và gia đình chọn trồng. Theo nhiều người, loài cây này không chỉ có tác dụng lọc không khí mà còn mang ý nghĩa phong thủy “thu hút tài lộc”. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng cây kim tiền tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ.

Do cắn lá kim tiền trong lúc đùa nghịch, một đứa trẻ 6 tuổi đã phải nhập viện vì ngộ độc. (Nguồn: NoBiTa)

Các gia đình có trẻ nhỏ cần thận trọng khi trồng cây kim tiền trong nhà

Cây kim tiền, hay còn gọi là cây phát tài, có tên khoa học là Zamioculcas Zamiifolia. Cây có nguồn gốc từ châu Phi nên khả năng chịu hạn tốt. Từ giữa hè đến đầu thu, cây kim tiền trưởng thành sẽ cho ra những bông hoa nhỏ xinh màu vàng nhạt.

Do có lá xanh mướt, nhìn giàu sức sống, không cần tưới nhiều nên cây kim tiền được các gia đình khá ưa chuộng để trồng trong nhà. Chưa kể, loại cây này có khả năng lọc không khí khá tốt. Theo nghiên cứu của NASA và ĐH Copenhagen (Đan Mạch), cây kim tiền có thể loại bỏ 0,01 mol/m2 các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như benzene, toluene, ethylbenzene và xylen mỗi ngày.

Kết hợp với cái tên “kim phát tài” - thể hiện sự phú quý, giàu sang, nhiều người đã mua cây kim tiền về trồng với mong muốn phát tài phát lộc mà không tìm hiểu kỹ càng.

Theo PGS.TS. Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), trong cuống và lá cây kim tiền chứa tinh thể canxi oxalat. Chất này có tác dụng thanh lọc, hút độc nhưng lại nguy hiểm với con người. 

Canxi oxalat khi tiếp xúc với phần da và bộ phận nhạy cảm như lưỡi, môi, cổ họng, mắt có thể gây kích ứng từ nhẹ đến nặng. Ở thể nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy rát họng, sưng miệng, ngứa ngáy. Khi bị ngộ độc nặng, cơ thể sẽ trở nên nôn nao, khó chịu, thậm chí có thể dẫn tới khó thở, co giật, hôn mê và tử vong. Riêng trẻ em có làn da mỏng, dễ kích ứng nên khi dính nhựa cây kim tiền lại càng nguy hiểm.

Ngoài cây kim tiền, một số loại cây cảnh thường thấy trong gia đình như vạn niên thanh, đỗ quyên, trúc đào… cũng có chứa nhiều độc tố nguy hiểm, trong đó có Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Người bệnh khi tiếp xúc với hai chất này sẽ gặp triệu chứng buồn nôn, ói mửa, uể oải, co giật,...

Nếu chẳng may trẻ con trong nhà cắn hoặc nuốt phải lá cây có độc, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng để loại bỏ độc tố ngay lập tức. Nếu nhựa dính vào da hoặc mắt, bạn cần rửa sạch bằng nước. Sau đó, hãy lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để xử lý và điều trị kịp thời.

Khi trồng các loại cây cảnh trong nhà, phụ huynh cần chú ý dặn dò con cái không chạm, cắn hay nuốt lá cây. Bạn cũng nên đặt cây ở vị trí cao hoặc ở ngoài vườn, ngoài tầm với của trẻ em. Đặc biệt, mọi người cần chú ý hỏi người bán về đặc tính của cây trước khi mua về trồng trong gia đình.

Cùng chuyên mục

“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa - Bài 2: Nhà thuốc Long Châu bán thuốc kháng sinh trẻ em như rau
Chưa tới ba phút đã có thể mua một hộp thuốc kháng sinh mà không cần toa thuốc, không có sự tư vấn, cảnh báo từ các dược sĩ…thực trạng này đang xảy ra tại hàng loạt nhà thuốc Long Châu. Liên tiếp bị xử phạt về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái diễn mang dấu hiệu coi thường pháp luật, sức khoẻ người dân.
“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa
Thực trạng thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh được bán vô tội vạ mà không cần toa đang xảy ra tràn lan tại chuỗi các nhà thuốc lớn tại TP HCM. Liên tiếp bị cơ quan chức năng xử lý nhưng hành vi sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn vì chế tài xử phạt nhẹ. Trong khi đó, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm.
Thêm một ca tử vong do cúm A/H1 pdm
Ngày 15/11, thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về ca bệnh tử vong do cúm A/H1 pdm.
TP.HCM: Đề xuất mua bảo hiểm y tế miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS
TP.HCM vừa có dự thảo đề cương chi tiết Nghị quyết về hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng vi rút HIV cho những người này. Nghị quyết dự kiến sẽ được HĐND TP.HCM thông qua vào kỳ họp tới.

Tin mới