Luật sư đề nghị khởi tố hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người tại mái ấm Hoa Hồng
Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM đề nghị các cơ quan chức năng Quận 12 xem xét và xử lý các hành vi có dấu hiệu bạo hành và ngược đãi trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng.
Ngày 5/9, liên quan đến vụ bạo hành nhiều trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12), trao đổi với SAOstar, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, bày tỏ sự xót xa trước hình ảnh các trẻ em bị bạo hành dã man tại mái ấm này.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, các hình ảnh và thông tin từ bài báo cho thấy hành vi ngược đãi trẻ em đã xảy ra trong một thời gian dài và do chính nhân viên tại mái ấm thực hiện. Đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của các em, đặc biệt khi mái ấm Hoa Hồng đang chăm sóc một lượng lớn trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh.
Luật sư nhấn mạnh: "Qua clip của báo Thanh Niên, ai cũng cảm thấy phẫn nộ trước hành động và giọng điệu của các bảo mẫu. Những hành động này đã cấu thành tội 'hành hạ người khác' và cần được khởi tố ngay để trấn an dư luận, đưa lại niềm tin vào công lý."
Bà cũng cho biết: "Các hành vi của bảo mẫu tại mái ấm đã không còn mang ý nghĩa bảo vệ trẻ em nữa, mà là hành vi đánh đập, chụp, ném, quăng các bé - những đứa trẻ chưa đủ phát triển thể xác và nhận thức, dễ bị tổn thương về thân thể và tinh thần suốt đời.
Đây là tổn thương nghiêm trọng mà cả Việt Nam và thế giới đều lên án. Tôi kiến nghị cơ quan điều tra trưng cầu giám định về sức khỏe và tinh thần của các bé để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người của các bảo mẫu."
Trước đó, ngày 4/9, báo Thanh Niên đã công bố loạt bài về tình trạng ngược đãi trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM. Các hình ảnh và video ghi lại cảnh những đứa trẻ bị bảo mẫu đánh đập thô bạo đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ từ dư luận.
Nhiều người bày tỏ sự bất bình trước những hành vi vô nhân đạo xảy ra dưới danh nghĩa của một mái ấm tình thương, đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giám sát và bảo vệ trẻ em.
Được biết, mái ấm Hoa Hồng hiện đang nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi, chia thành 3 nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1-2 tuổi và trên 2 tuổi. Phòng trẻ sơ sinh có khoảng 20 em, bé lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi, bé nhỏ nhất chưa đầy 1 tháng. Bảo mẫu T. bị cáo buộc đã có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ trong quá trình chăm sóc.
Đại diện Phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết sau khi sự việc xảy ra lực lượng chức năng đã đưa trẻ đi khám sức khoẻ và chuyển các bé về mái ấm khác để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.
Sau khi nhận được thông tin, Công an Quận 12 đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tại buổi làm việc, bà Giáp Thị Sông Hương, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng cho biết, bà Diệp Ngọc Tuyền (ở tỉnh Sóc Trăng, người bạo hành trẻ em) được tuyển dụng vào cơ sở tháng 7/2024 (thời gian làm việc được 2 tháng). Cơ sở không ký hợp đồng lao động với bà Tuyền. Nhiệm vụ chính của bà Tuyền là đi chăm sóc các em bé trong bệnh viện và thường trực tại cơ sở vào buổi tối. Bà Hương cho rằng, hôm nay UBND phường Trung Mỹ Tây báo tin vụ việc, thông tin qua zalo và thời sự bà mới biết sự việc bà Tuyền đánh bé tại cơ sở của mình.
Theo ghi nhận của Tổ Công tác về điều kiện cơ sở vật chất và phòng ở tại cơ sở này, căn cứ giấy phép hoạt động được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp quy mô nuôi dưỡng 39 trẻ, thực tế ghi nhận thực tế có 85 trẻ. Các phòng ở không được sử dụng đúng mục đích đã được cấp phép.
Cụ thể như Phòng Y tế làm nơi nấu ăn, phòng ở thì làm nơi giữ xe, phòng kho,… Lầu 3, lầu 4 của cơ sở hiện ghi nhận không có trẻ ở, đồ đạc không xắp xếp ngăn nắp. Cơ sở không có nhân viên tâm lý, nhân viên dinh dưỡng chưa bố trí đầy đủ. Cơ sở không đảm bảo theo quy định về nhân viên theo quy định hiện hành.
Tổ công tác đề xuất khẩn trương xem xét ban hành quyết định tạm dừng hoạt động toàn bộ cơ sở, sau đó tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động khi có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.