Lương cơ sở chính thức tăng từ 1/7, công ty có phải tăng lương cho công nhân không?
Kể từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng. Điều này sẽ giúp công nhân được hưởng thêm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Từ 1/7, công ty có phải tăng lương cho công nhân?
Tiền lương của công nhân là tiền lương do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau để thực hiện công việc nhất định dưới sự chỉ đạo, điều hành của người sử dụng lao động.
Trong khi đó, lương cơ sở là căn cứ tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ, người lao động có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Trong hợp đồng lao động, các bên sẽ thỏa thuận với nhau về các nội dung như mức lương theo công việc, hình thức trả lương, thời hạn trả lương; chế độ nâng bậc, nâng lương,…
Việc tăng lương cho công nhân phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên chứ không thực hiện theo chính sách tăng lương cơ sở.
Do đó, khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, các công ty không buộc phải tăng lương cho công nhân. Việc tăng lương cho công nhân vẫn được thực hiện theo thỏa thuận về chế độ nâng lương trước đó.
Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm các doanh nghiệp thực hiện tăng lương cho công nhân theo tỷ lệ tăng lương cơ sở nên nếu có đủ tiềm lực tài chính, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tăng lương cho công nhân từ ngày 1/7/2023 để người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Những lợi ích công nhân nhận được sau khi lương cơ sở tăng
Dù không được tăng lương từ ngày 1/7/2023 nhưng nhờ chính sách tăng lương cơ sở, những người lao động đi làm công ty cũng được hưởng thêm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cụ thể, công nhân được tăng 10 khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau.
- Trợ cấp 1 lần khi sinh con.
- Trợ cấp dưỡng sức sau thai sản.
- Trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trợ cấp dưỡng sức sau điều trị.
- Trợ cấp mai táng.
- Trợ cấp tuất hằng tháng.
Bên cạnh đó, công nhân còn được tăng mức mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh không đúng tuyến.