Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 01/08/2024 06:58 (GMT+7)

Lưu ý về quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia 'hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ'

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương vừa đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ". 

Lưu ý về quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia 'hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ'
Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công thương đã đăng tải nhiều tin bài, khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”.Bên cạnh tên gọi này, các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) còn xuất hiện dưới nhiều tên gọi như “Hợp đồng nghỉ dưỡng”, “Hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc”, “Hợp đồng kỳ nghỉ gia đình”, “Hợp đồng mua bán thẻ du lịch”...

Từ phản ánh của người dân, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã thống kê về những rủi ro có thể xảy ra với mô hình hoạt động.

Đầu tiên là bên bán thiết kế các chiến lược bán hàng bài bản để thu hút bên mua tham gia giao dịch một cách vội vàng. Qua phản ảnh từ người dân, hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân (đặc biệt là người cao tuổi). Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản, khiến nhiều người dân đặt cọc, ký kết hợp đồng một cách vội vàng,ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như chưa được cung cấp/chưa nghiên cứu hợp đồng.

Theo phản ánh của người dân, các chiến lược này có thể kể đến: Tặng phiếu giảm giá, tặng kỳ nghỉ miễn phí; cung cấp quá nhiều và thổi phồng, thậm chí không đúng sự thật, các thông tin về lợi ích nghỉ dưỡng, cơ hội đầu tư hấp dẫn; che giấu một số thông tin quan trọng như nghĩa vụ của bên mua, các loại phí phát sinh, điều khoản bất lợi trong hợp đồng… Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng (như mua để đầu tư sinh lời nhưng không chuyển nhượng được cho bên thứ ba; mua để có các kỳ nghỉ lý tưởng với gia đình nhưng yêu cầu về thời gian đặt phòng trước quá khắt khe) cũng như nhận ra các bất lợi, rủi ro từ giao dịch đã xác lập, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận.

Một hình thức khác là bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro cho bên mua. Trong nhiều trường hợp, song song với các chiến lược bán hàng, bên bán thiết kế sẵn điều khoản giao dịch (từ thỏa thuận đặt cọc đến hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ dưỡng) theo hướng giành lấy sự an toàn về mặt pháp lý cho mình. Thông thường, bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ; phải thanh toán thêm khoản phí thường niên thả nổi và kéo dài suốt thời hạn hợp đồng cho dù không sử dụng dịch vụ, không chuyển nhượng được cho bên thứ ba; điều kiện đặt phòng, chuyển nhượng hợp đồng/cho thuê lại kỳ nghỉ khó khăn; không được hủy ngang hợp đồng nhưng có thể bị bên bán đơn phương chấm dứt hợp đồng và mất toàn bộ số tiền đã đóng trong rất nhiều trường hợp bất lợi (ví dụ vi phạm nghĩa vụ đóng phí thường niên trong 3 năm; vi phạm các quy chế, chính sách nghỉ dưỡng do bên bán quy định, sửa đổi trong suốt thời hạn hợp đồng…); nghĩa vụ của bên bán được quy định trong hợp đồng rất sơ sài, lỏng lẻo; các trường hợp vi phạm và chế tài xử lý vi phạm giữa hai bên được thiết kế theo hướng bất lợi hơn một cách đáng kể cho khách hàng.

Đặc biệt, bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhiều người dân phản ánh về các khó khăn trong việc đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng liên kết với bên bán do bên bán thông báo hết phòng hoặc khu nghỉ dưỡng đã ngừng hợp tác với bên bán.

Tại thị trường kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn của Việt Nam hiện nay, mặc dù bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng (có giá trị đến vài trăm triệu cho thời hạn vài chục năm) trước khi dịch vụ được cung cấp nhưng nhiều trường hợp, hợp đồng được ký kết bởi bên bán không sở hữu các khu nghỉ dưỡng.

Hơn nữa, trong hợp đồng không quy định biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên bán đối với bên mua; không liệt kê danh sách các khu nghỉ dưỡng cụ thể mà bên bán có nghĩa vụ cung cấp kỳ nghỉ cho bên mua cũng như không quy định nghĩa vụ của bên bán trong việc chứng minh mối quan hệ hợp tác giữa bên bán với chủ sở hữu các khu nghỉ dưỡng tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Vì vậy, quyền lợi của bên mua không chỉ phụ thuộc vào các điều khoản hợp đồng vốn đã bất lợi mà còn bị chi phối bởi mối quan hệ hợp tác giữa bên bán và bên thứ ba (từ địa điểm nghỉ dưỡng đến giá cả, chất lượng dịch vụ, nội quy nghỉ dưỡng…), thậm chí đứng trước nhiều rủi ro nếu bên bán phá sản hoặc mất khả năng thực hiện hợp đồng.

Từ một số rủi ro tiềm ẩn được người dân phản ánh trên đây, để tránh tình huống không mong muốn xảy ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.Đồng thời, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt cần xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài.

Người tiêu dùng nên so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt, khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Cũng cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì/ phí thường niên/ phí quản lý/ phí vận hành/ phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng ( không có trong thông tin quảng cáo, chào bán) và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

Các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, ví dụ như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…

Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)...

Cùng chuyên mục

Dầu massage Đại Lực Hoàng bị đình chỉ, thu hồi trên toàn quốc
Mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi Sở Y tế, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm Dầu massage Đại Lực Hoàng do không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Phát hiện kho mỹ phẩm nhập lậu bán online trị giá khoảng 1 tỷ đồng tại TP Bắc Giang
Một kho mỹ phẩm với khoảng 70.000 sản phẩm chủ yếu là kem dưỡng da, kem trị nám, sữa rửa mặt, gel tẩy da chết, kem tẩy lông, kem dưỡng tóc, thuốc nhuộm tóc, nước hoa… có trị giá khoảng 1 tỷ đồng kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng TMĐT vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra, tạm giữ.
Dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Đây là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol, trong đó có một trường hợp từ Thái Nguyên và bốn trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên.
Cục An toàn thực phẩm chỉ cách chọn bánh trung thu an toàn
Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng bánh trung thu tăng đột biến, bên cạnh các sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Tin mới

“Mang tinh hoa Việt ra toàn cầu”, Nệm Thuần Việt sẵn sàng chinh phục Amazon
Nệm Thuần Việt, với tầm nhìn vươn ra quốc tế, đã chọn Amazon làm bệ phóng để chinh phục thị trường toàn cầu. Bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ vào năm 2018, thương hiệu đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế tại Việt Nam. Với chất lượng đạt chuẩn quốc tế, Nệm Thuần Việt quyết tâm đưa sản phẩm nệm cao su thiên nhiên đến với người tiêu dùng toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp nệm hàng đầu.
Cảnh giác thủ đoạn giả mạo tổ chức nước ngoài để tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, lợi dụng nhu cầu cấp chứng chỉ tiếng Anh của nhiều người để tổ chức các kỳ thi giả mạo, chiếm đoạt tài sản. Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi các cơ quan, bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp pháp.