Mùa hè năm 2023 nóng nhất trong 2.000 năm qua
Mùa hè năm 2023 không chỉ mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận mà còn là mùa nóng nhất trong khoảng 2.000 năm qua.
Với những đợt cháy rừng càn quét khắp Địa Trung Hải, đường sá cong vênh ở bang Texas (Mỹ) và lưới điện bị quá tải ở Trung Quốc do nắng nóng khắc nghiệt, mùa Hè năm 2023 không chỉ mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận mà còn là mùa nóng nhất trong khoảng 2.000 năm qua. Đây là kết quả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature ngày 14/5.
Trước đó, các nhà khoa học đã xác nhận giai đoạn từ tháng 6-8 năm ngoái là thời kỳ nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê kỷ lục nắng nóng trên thế giới vào những năm 1940. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nói trên cho rằng nắng nóng mùa Hè 2023 đã "xô đổ" các kỷ lục trước đó trong một khung thời gian dài hơn rất nhiều.
Kết luận này dựa trên việc xem xét những dữ liệu về khí tượng thủy văn từ thời điểm hiện tại đến giữa những năm 1800, đồng thời đánh giá dữ liệu nhiệt độ sau khi phân tích các vòng tăng trưởng của thân cây tại 9 địa điểm ở Bắc Bán cầu. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, mỗi năm một lần, các cây thân mộc ghi lại đầy đủ hoàn cảnh môi trường sống bằng một vòng tăng trưởng.
Dựa trên dữ liệu về vòng tăng trưởng của thân cây, các nhà khoa học nhận thấy mùa Hè năm ngoái có nền nhiệt cao hơn 2,2 độ C so với mức nhiệt trung bình ước tính trong những năm từ năm 1 đến năm 1890. Tính riêng nền nhiệt trung bình ở vùng đất liền trong khoảng từ 30-90 độ vĩ Bắc, nền nhiệt mùa Hè 2023 ở mức 2,07 độ C, cao hơn so với nền nhiệt trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Là một trong những tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học Jan Esper thuộc Đại học Johannes Gutenberg ở Đức nhấn mạnh, việc xem xét lịch sử ghi chép về khí hậu trong một khoảng thời gian dài như vậy đã cho thấy rõ hiện tượng ấm lên toàn cầu trong những năm gần đây đang diễn ra mạnh mẽ như thế nào.
Trước đó, hồi tháng 1/2024, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu nói rằng, nhiều khả năng, 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong khoảng 100.000 năm qua. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Esper cho rằng khó có thể chứng minh được điều này trong một khoảng thời gian dài như vậy. Trong nghiên cứu hồi năm ngoái, ông Esper và hai nhà khóa học khác của châu Âu lập luận rằng khó có thể đưa ra sự so sánh theo từng năm trong một khoảng thời gian dài 100.000 năm, mà chỉ dựa trên những phương pháp khoa học hiện có, bao gồm việc thu thập dữ liệu nhiệt độ từ các nguồn như trầm tích biển hoặc các đầm lầy than bùn.
Theo ông Esper, hiện tượng khí hậu El Nino đã làm trầm trọng hơn thời tiết nắng nóng khắc nghiệt của mùa Hè năm ngoái, khiến các đợt sóng nhiệt và hạn hán kéo dài hơn, kèm theo những tổn thất và thiệt hại nặng nề hơn.
Theo nghiên cứu khác đăng ngày 14/5 trên tạp chí PLOS Medicine, các đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo dữ liệu của nghiên cứu này, trong mỗi năm từ 1990 - 2019, đã có hơn 150.000 người tử vong tại 43 quốc gia trên thế giới do gặp phải những vấn đề sức khỏe do sóng nhiệt gây ra.