NASA: Triển khai nghiên cứu đầu tiên về sóng vô tuyến Mặt Trời
Những hoạt động này thúc đẩy các hình thái thời tiết không gian, làm tăng hoạt động cực quang và hiệu ứng địa từ trên Trái Đất.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa thiết bị Thí nghiệm giao thoa sóng vô tuyến CubeSat (CURIE) vào quỹ đạo, nhằm khám phá xuất phát điểm của sóng vô tuyến từ Mặt Trời - một trong những yếu tố chính thiết lập các hình thái thời tiết trong không gian.
Theo kế hoạch, CURIE sẽ được phóng ngày 9/7 (giờ địa phương) từ Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Kourou (vùng lãnh thổ Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ) bằng tên lửa Ariane 6 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). CURIE sẽ bay ở độ cao khoảng 580 km so với bề mặt Trái Đất.
Với phương pháp đo giao thoa sóng vô tuyến, dự án trên nhằm nghiên cứu bức xạ sóng vô tuyến từ các vụ phun trào của Mặt Trời, như các vết lóa hay phun trào nhật hoa - hiện tượng plasma và từ trường phóng ra từ Mặt Trời... Những hoạt động này thúc đẩy các hình thái thời tiết không gian, làm tăng hoạt động cực quang và hiệu ứng địa từ trên Trái Đất.
CURIE do một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học California phát triển. Theo ESA, đây là dự án đầu tiên nghiên cứu bức xạ sóng vô tuyến từ các vụ phun trào của Mặt Trời, đo sóng vô tuyến ở dải tần 0,1-19 MHz từ không gian.
Do bầu khí quyển phía trên Trái Đất chặn các bước sóng vô tuyến, các nghiên cứu về vấn đề này chỉ có thể được thực hiện từ không gian. Theo NASA, trong quá trình nghiên cứu sóng vô tuyến Mặt Trời, CURIE sẽ sử dụng một kỹ thuật gọi là giao thoa vô tuyến tần số thấp - kỹ thuật chưa từng được sử dụng trong không gian trước đây.
NASA cho biết kỹ thuật này phụ thuộc vào hai thiết bị bay độc lập của CURIE – kích cỡ của chúng gộp lại không lớn hơn một hộp đựng giày. Hai thiết bị này sẽ quay quanh Trái Đất và ở cách nhau khoảng 3,2 km. Khoảng cách này cho phép các thiết bị của CURIE đo được những khác biệt nhỏ về thời gian đến của sóng vô tuyến, giúp các nhà khoa học xác định chính xác sóng vô tuyến đến từ đâu.