Nhận diện và phòng ngừa các hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan đến lĩnh vực thuế
Cục Thuế TP. Hà Nội vừa đưa ra cách nhận diện và phòng tránh lừa đảo trực tuyến với nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực thuế.
Ảnh minh họa.
Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice
Deepfake, Deepvoice đang là mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video, hình ảnh và giọng nói. Thông qua các ứng dụng “Tổng cục Thuế” giả mạo, các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra những video, đoạn ghi âm hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung, giọng nói, tạo ra các đoạn video giả mạo cán bộ thuế để lừa đảo.
Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Dấu hiệu nhận biết là thời gian gọi thường ngắn; khuôn mặt thiếu tính cảm xúc, không tự nhiên, hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán; màu da của nhân vật trong video bất thường; âm thanh không đồng nhất với hình ảnh…; yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
Giả mạo trang thông tin điện tử, email cơ quan thuế
Các đối tượng lừa đảo có thể tạo trang web, email có giao diện, hình ảnh, nội dung gần giống của cơ quan thuế để người dùng nhầm tưởng là trang web, email do cơ quan thuế cung cấp; sau đó, đính kèm nội dung yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo.
Dấu hiệu nhận biết website, email không an toàn là đường dẫn URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt không kết thúc bằng đuôi “gdt.gov.vn” (chẳng hạn như “gdtgov.cfd”). Các website lừa đảo thường sẽ xuất hiện những cảnh báo, đe dọa hoặc nhắc hạn (khai nộp thuế, quyết toán thuế…) ngay khi người dùng truy cập trang nhằm đánh lừa và dụ dỗ người dùng điền các thông tin quan trọng để đánh cắp dữ liệu cá nhân, hoặc điều hướng truy cập đến những website không an toàn khác có chứa mã độc hại.
Để phòng tránh, người nộp thuế luôn kiểm tra URL của trang web trước khi cung cấp thông tin cá nhân; sử dụng trình duyệt web có tính năng bảo mật cao và cập nhật phiên bản mới nhất; tuyệt đối không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan thuế cho máy tính qua các đường dẫn không phải do Tổng cục Thuế, Cục Thuế cung cấp...
Lừa đảo dịch vụ hỗ trợ nộp ngân sách Nhà nước
Kẻ lừa đảo sẽ xây dựng hình tượng của các công chức thuế để người nộp thuế có thể tin tưởng (liên hệ qua Facebook, Zalo cá nhân). Điều này có thể liên quan đến việc tạo các hồ sơ giả, trang web giả hoặc tài liệu giả để đánh lừa người nộp thuế, qua đó, đề nghị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nộp ngân sách Nhà nước hoặc lấy lại tiền khi bị nộp thừa vào ngân sách Nhà nước. Sau khi tạo dựng niềm tin, đối tượng lừa đảo yêu cầu thanh toán dưới hình thức giả danh phí xử lý, yêu cầu pháp lý hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác.
Vì vậy, người dân luôn kiểm tra và xác nhận rõ ràng nguồn gốc và mục đích của giao dịch chuyển tiền trước khi thực hiện. Không chuyển tiền dựa trên các đề nghị đột xuất, không xác định hoặc không rõ ràng…
Phát tán tin nhắn giả danh cơ quan thuế để trục lợi
Tình trạng sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo để gửi hàng loạt tin nhắn lừa đảo, mạo danh cơ quan thuế đang có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, mà còn sử dụng tin nhắn giả mạo cơ quan thuế thông báo quyết định xử phạt, thời hạn kê khai nộp thuế… để người nộp thuế truy cập vào các ứng dụng hoặc các trang web của cơ quan thuế với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Cơ quan thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh); không yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin cá nhân thông qua tin nhắn, email, Zalo, Facebook, phần mềm chat...
Giả danh cơ quan thuế gọi điện, lừa đảo nộp ngân sách Nhà nước
Đối tượng tự xưng danh là cán bộ, công chức của cơ quan thuế các cấp yêu cầu người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, nộp tiền theo quyết định xử phạt. Ngoài ra, có trường hợp các đối tượng lừa đảo mời chào, dụ dỗ doanh nghiệp mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế hoặc các ấn phẩm vinh danh doanh nghiệp, lập quỹ hỗ trợ của ngành Thuế... Để phòng tránh, người dân cần giữ bình tĩnh, nâng cao cảnh giác và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa; không cung cấp thông tin cá nhân, mã số thuế, tài khoản giao dịch điện tử, tiền bạc, tài sản… qua điện thoại, email, mạng xã hội, các trang web không rõ nguồn gốc.
Chiếm quyền sử dụng điện thoại bằng đường link giả mạo
Thời gian gần đây, xuất hiện các đối tượng giả danh cán bộ thuế yêu cầu người dân truy cập vào các đường link giả mạo để chiếm quyền sử dụng điện thoại từ xa, sau đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lừa đảo hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế bằng cách bấm vào một đường link gửi qua Zalo, Facebook… Nếu thực hiện theo yêu cầu, các tính năng thông thường trên chiếc điện thoại của người dùng sẽ không thể sử dụng được. Vì vậy, người nộp thuế tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ tự xưng là cơ quan thuế hoặc không rõ nguồn gốc về ủy quyền đóng thuế, mua bán hóa đơn.