Nhật Bản: Các ca nhiễm liên cầu khuẩn tăng lên mức cao kỷ lục
Hội chứng sốc nhiễm độc do liên cầu khuẩn - một căn bệnh có khả năng gây tử vong do vi khuẩn ăn thịt gây ra, đang lây lan nhanh tại Nhật Bản với số ca mắc trong nửa đầu năm 2024 đã vượt tổng số ca mắc của năm ngoái.
Theo thông báo ngày 11/6 của Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nhật Bản, từ đầu năm đến nay đã có 977 ca bệnh do liên cầu khuẩn. Như vậy số người nhiễm bệnh đã vượt tổng số ca nhiễm của cả năm 2023 (941), vốn là năm có số người nhiễm cao nhất kể từ khi báo cáo được quy định bắt buộc từ năm 1999.
Tính theo các tỉnh, thành phố và địa phương, Tokyo báo cáo số ca mắc nhiều nhất với 145 ca. Số ca mắc các chủng vi khuẩn có độc tố và khả năng lây nhiễm cao hơn ngày càng được báo cáo nhiều hơn, đặc biệt ở vùng Kanto, trung tâm Tokyo.
Ông Ken Kikuchi, Giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học y khoa nữ Tokyo, cho biết những vết thương ở chân dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn và các vết thương nhỏ như phồng da và chân ở vận động viên điền kinh có thể là nơi vi khuẩn thâm nhập. Bệnh nhân cao tuổi sẽ tử vong chỉ 48 giờ sau khi nhiễm bệnh.
Ông nhấn mạnh sốt cao kèm theo mê sảng hoặc các vết thương sưng lên nhanh chóng là những dấu hiệu nguy hiểm và bệnh nhân cần phải được điều trị ngay.
Liên cầu khuẩn có tên khoa học Streptococcus, là những vi khuẩn hình cầu xếp thành chuỗi có thể uốn cong hoặc xoắn lại. Liên cầu khuẩn thuộc nhóm gram dương, có kích thước từ 0,6-1 µm, không di động, không sinh nha bào, có khả năng phát triển tốt ở nhiệt độ 37 độ C. Chúng được chia thành 2 nhóm là liên cầu tiêu huyết β (β hemolytic streptococci) và liên cầu không tiêu huyết nhóm β. Những liên cầu khuẩn này gây ra nhiễm trùng và các bệnh lý nguy hiểm như viêm họng, viêm niêm mạc mũi họng, gây sâu răng, nhiễm trùng da…
Mỗi nhóm liên cầu khuẩn có xu hướng gây ra các bệnh nhiễm trùng khác nhau. Liên cầu khuẩn không lây qua tiếp xúc thông thường mà lây trong môi trường đông người như trường học, ký túc xá, trung tâm thương mại. Mỗi nhóm liên cầu khuẩn gây ra các bệnh lý khác nhau như chốc mép, viêm họng, liên cầu lợn, viêm màng não, viêm phổi...