Những cách người dân có thể gửi phản ánh vi phạm giao thông cho Cảnh sát giao thông
Hiện nay, có nhiều cách để người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh, clip,... phản ánh vi phạm giao thông như qua ứng dụng VNeTraffic, iHanoi...; đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương hoặc qua trang Zalo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, cá nhân khi ghi thu được clip vi phạm giao thông có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông thông qua các cách thức sau:
- Đến trực tiếp trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc để gửi clip vi phạm giao thông.
- Gửi clip vi phạm qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;
- Gửi clip vi phạm qua đường bưu điện.
- Gửi clip vi phạm qua phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Khi gửi clip vi phạm cá nhân phải để lại thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp lực lượng chức năng cần liên hệ, phải hợp tác với Cảnh sát giao thông khi được yêu cầu.
Hiện nay, có nhiều cách để người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh, clip... phản ánh vi phạm giao thông như qua ứng dụng VNeTraffic, iHanoi...; đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương hoặc qua trang Zalo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương.
Theo đó, từ 01/01/2025, Bộ Công an đã đưa ứng dụng VNeTraffic - Giao thông thông minh Việt Nam vào sử dụng. Tại ứng dụng này, người dân có thể tra cứu vi phạm giao thông; phản ánh (vi phạm giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông); thông tin đấu giá biển số xe. Để gửi phản ánh, người dân cần nhập đúng loại phản ánh, thông tin xảy ra sự việc, tỉnh/ thành phố và địa điểm xảy ra sự việc.
Để phản ánh vi phạm đạt hiệu quả, người dân cũng cần nhập nội dung của vụ việc kèm theo hình ảnh hoặc video. Cơ quan chức năng đề nghị người dân sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; cung cấp trung thực, khách quan các vụ việc phản ánh. Cơ quan Công an sẽ đảm bảo bảo mật thông tin của người phản ánh.
Bên cạnh đó, tại ứng dụng iHanoi, người dân cũng có thể gửi phản ánh, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông. Cơ quan chức năng cũng sẽ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua ứng dụng.
Trong khi đó, trên Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông có đăng tải công khai số điện thoại của Cục và Công an 63 tỉnh/thành phố, người dân có thể thông tin, phản ánh trực tiếp qua các số điện thoại này.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông cũng có tổng đài 19008099 để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc. Người dân có thể phản ánh tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông hoặc cần hỗ trợ để xử lý các sự cố phát sinh khi lưu thông trên các tuyến cao tốc.
Trên thực tế, lực lượng chức năng còn tiếp nhận phản ánh thông tin qua các đầu mối khác như các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông (csgt.vn),... người dân hoàn toàn có thể tin tưởng và gửi thông tin về các vụ việc vi phạm trật tự an toàn giao thông qua những nguồn uy tín này.
Ngày 30/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
Trong đó, tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này quy định rõ: “Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc”.
Với quy định nêu trên, bắt đầu từ ngày 01/01/2025, các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/1 vụ, việc.