TP HCM: Các lực lượng tham gia lễ diễu binh, diễu hành sẽ tổng hợp luyện vào ngày 18 và 22/4
Các lực lượng tham gia lễ diễu binh, diễu hành sẽ tổng hợp luyện trên đường Lê Duẩn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) vào ngày 18 và 22/4. Hiện nay, các đoàn tham gia lễ diễu binh, diễu hành đã ổn định nơi trú quân, luyện tập tại Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Ngày 10/4, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, đã cung cấp những thông tin chi tiết về công tác chuẩn bị cho chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo Đại tá Nguyễn Như Trúc, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì tổ chức 23 hoạt động trọng điểm trong dịp lễ. Quân Khu 7 được giao phụ trách một số nội dung quan trọng, đặc biệt là công tác luyện tập, tổ chức diễu binh - diễu hành, hậu cần và phối hợp an ninh.
Lực lượng Quân đội sẽ tham gia lễ diễu binh với 32 khối, trong đó Quân khu 7 đóng góp 7 khối (gồm 3 khối nữ, 4 khối nam). Các buổi sơ duyệt, tổng duyệt, tổng hợp luyện đã được triển khai theo đúng kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu. Các đợt tổng hợp luyện sẽ diễn ra tại Trung đoàn Không quân 935 (thành phố Biên Hòa) vào ngày 11/4 và 15/4 và tại đường Lê Duẩn (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 18/4 và 22/4.
"Tính đến nay, các đoàn diễu binh, diễu hành từ khắp mọi miền Tổ quốc đã được ổn định nơi ăn ở và tham gia tập luyện. Quân khu 7 cùng các đơn vị liên quan đã bảo đảm tốt các điều kiện về tư trang, hậu cần và kỹ thuật cho lực lượng tham gia chu đáo nhất", Đại tá Nguyễn Như Trúc nói.
Tham gia lễ diễu binh - diễu hành sẽ có 36 khối của Lực lượng vũ trang và Công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện. Ngay sau đó là phần diễu hành gồm 12 khối với khoảng 13.000 người do TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đã lên thiết kế các khán đài với tổng cộng 5.260 ghế đại biểu. Cụ thể, khán đài A có 1.068 ghế, khán đài B có 1.832 ghế và khán đài C có 2.360 ghế. Khu vực tổ chức diễu binh, diễu hành được bố trí đầy đủ các hạng mục: khu vực báo chí tác nghiệp, khu vực đứng nền cho các khối tham gia, trạm điện, trung tâm dữ liệu, nhà báo chí, khu y tế, xe cứu thương - cứu hỏa, nhà vệ sinh di động và trung tâm kỹ thuật.
Các hệ thống trình chiếu hiện đại sẽ minh họa bằng hình ảnh tư liệu và đồ họa. Các màn hình LED, loa phóng thanh được lắp đặt trên các tuyến đường chính và nơi tập trung đông người, tạo điều kiện cho người dân theo dõi diễn biến lễ kỷ niệm một cách thuận tiện.
Ngoài khu vực trung tâm, Thành phố dự kiến huy động thêm 22 màn hình LED tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Người dân cả nước có thể theo dõi trực tiếp lễ diễu binh, diễu hành qua truyền hình và các nền tảng trực tuyến.
Đối với các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan cũng đang khẩn trương triển khai công tác tạm thu hồi, di dời, tháo dỡ các hạng mục có liên quan để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng trống cho các đơn vị kỹ thuật thi công, lắp dựng vào ngày 22/4.
Trong phần nội dung chương trình Lễ kỷ niệm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã trình xin ý kiến Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đối với kịch bản của Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành.
Cụ thể, chương trình nghệ thuật đầu giờ kéo dài 30 phút do TP Hồ Chí Minh thực hiện sẽ có biểu diễn nhạc kèn, múa súng. Trong Lễ chào cờ, đội hình pháo lễ sẽ bắn 21 loạt trên nền Quốc thiều. Sau đó là phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ đọc diễn văn; phát biểu của đại diện cựu chiến binh, thế hệ trẻ Việt Nam; cử nhạc ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Kế đến là Lễ diễu binh, diễu hành; thả bóng bay, chim bồ câu...