Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 01/01/2021 08:34 (GMT+7)

Những điểm mới quan trọng của Bộ luật Lao động 2019

Những thay đổi của Bộ luật Lao động mới tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động tiến lên thịnh vượng, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh những quy định mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi đã được thông qua năm 2019, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam thì Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ. Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, những nội dung cải tiến sẽ chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi mọi người đều hiểu được mình có những quyền nào và chủ động sử dụng quyền đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những điểm mới quan trọng

Thay đổi quan trọng đầu tiên của Bộ luật Lao động là mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm  đối tượng là người lao động làm việc mà không có hợp đồng bằng văn bản. Bộ luật có một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ khoảng 55 triệu người, thay vì phạm vi điều chỉnh hiện tại chỉ khoảng 20 triệu người có quan hệ lao động như quy định trước đó.

Bộ luật cũng bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.” Thêm vào đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo Điều 8 Bộ luật Lao động 2019. Người lao động còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ngoài ra, lần đầu tiên hành vi quấy rối tình dục được định nghĩa trong pháp luật và người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ban hành nội quy lao động và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 cũng có những quy định mới riêng về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Theo đó, người sử dụng lao động giờ đây được yêu cầu phải “đảm bảo trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau, không phân biệt giới tính” và bảo vệ thai sản.

Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng dần lên 62 tuổi đối với lao động nam (mỗi năm tăng thêm 3 tháng) và 60 tuổi đối với lao động nữ (mỗi năm tăng thêm 4 tháng). Điều này sẽ giúp giảm khoảng cách giới từ 5 năm xuống còn 2 năm đồng thời giúp xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí bền vững hơn về tài chính và giải quyết thách thức về nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh.

Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi. So với hiện nay theo Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định ràng hơn.

Tương tự với pháp luật lao động của các nước tiên tiến, bộ luật đã đưa ra những quy định pháp lý cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương và điều kiện làm việc thông qua đối thoại và thương lượng. Trong đó, vai trò của Nhà nước chỉ giới hạn ở việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu như tiền lương tối thiểu và giới hạn thời gian làm thêm giờ.

Người sử dụng lao động giờ đây không còn phải gửi thang lương, bảng lương đến các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền song vẫn phải tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện của người lao động. Nội dung này đã thể hiện đầy đủ những nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đã được thông qua năm 2018.

Bộ luật cho phép người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức đại diện người lao động do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các tổ chức của người lao động không phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể được thành lập tại doanh nghiệp, họ có những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động bình đẳng với các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc Tổng Liên đoàn.

Trước đây, theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

Đến Bộ luật Lao động 2019, Quốc hội đã mở rộng quyền tham gia vào các tổ chức đại diện của người lao động, theo đó, việc“Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật” (điểm c, khoản 1, Điều 5, Bộ luật Lao động năm 2019) là một trong những quyền cơ bản và quan trọng của người lao động. Bên cạnh đó, các quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được quy định tại chương XIII Bộ luật Lao động 2019 thay cho chương XIII quy định về công đoàn cơ sở tại Bộ luật Lao động 2012. Cụ thể, theo Điều 170 của Bộ luật Lao động 2019.

Bộ luật cũng đảm bảo bảo vệ các tổ chức của người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động trước hành vi can thiệp lẫn nhau của mỗi bên và người lao động được hưởng sự bảo vệ đầy đủ trước những hành vi phân biệt đối xử do tham gia công đoàn. Bộ luật mới quy định rõ ràng hơn nghĩa vụ của người sử dụng lao động, nghiêm cấm những hành vi phân biệt đối xử và can thiệp vào chức năng và hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động trước và sau khi đăng ký thành lập.

Cán bộ quản lý tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động không được tham gia vào cùng tổ chức của người lao động với những lao động bình thường khác. Điều này sẽ dần chấm dứt tình trạng phổ biến là các cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung chi phối các tổ chức đại diện người lao động ở cấp doanh nghiệp.

Theo Bộ luật mới, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cũng đã được tinh giản. Nếu tranh chấp lao động không được hòa giải thành công, người lao động giờ đây có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Trước đây, cần thêm nhiều bước khác để có thể đình công hợp pháp.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Có thể thấy, sự thay đổi này đưa pháp luật lao động và quan hệ lao động của Việt Nam tiệm cận hơn với Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể mà Việt Nam đã gia nhập năm 2019 và cải tiến theo Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền được tổ chức mà Chính phủ dự kiến sẽ phê chuẩn vào năm 2023. Tôn trọng và áp dụng đầy đủ Công ước số 87 và Công ước số 98 của ILO là yêu cầu trọng tâm đối với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Quan trọng hơn cả, những thay đổi của Bộ luật Lao động mới tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động tiến lên trên con đường bền vững hơn hướng tới thịnh vượng chung, tránh được bẫy thu nhập trung bình. Điều đó sẽ thúc đẩy tiến trình nâng cấp xã hội và kinh tế của Việt Nam.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP về tuổi nghỉ hưu và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về điều kiện lao động và quan hệ lao động nhằm triển khai các quy định có liên quan. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn đăng ký tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể. Thiếu những nghị định này, người lao động và người sử dụng lao động vẫn chưa thể thụ hưởng những quyền mới theo Bộ luật Lao động 2019.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thông qua các nghị định về đăng ký các tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể sớm nhất có thể, nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động thực thi quyền của mình. Cần có sẵn tất cả các công cụ pháp lý để đảm bảo rằng người lao động khi thực thi các quyền mới theo bộ luật sẽ được bảo vệ tối đa, bao gồm khỏi các hình thức trả thù.

Cùng chuyên mục

Bộ trang phục biểu diễn của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng sẽ được thẩm định
Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, để có giải pháp xử lý phù hợp, Sở sẽ mời một số chuyên gia về các lĩnh vực có liên quan để thẩm định trang phục và phụ kiện mà ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng tại buổi biểu diễn ngày 4/5. Sau khi có kết luận sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Tin mới

Uống hoa đu đủ đực có chữa được bệnh ung thư như ‘truyền miệng’?
Dù chưa có một bằng chứng khoa học nào về việc hoa đu đủ đực có thể chữa khỏi ung thư, thế nhưng trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin hoa đu đủ đực ngâm mật ong có thể chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Theo đó, các bác sĩ cảnh báo, uống hoa đu đủ với hi vọng chữa ung thư khiến người bệnh dễ mất cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chứng chỉ ngoại ngữ bảo đảm chất lượng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng
Liên quan đến kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc IDP cấp trái phép hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam, chiều ngày 09/5, Bộ này khẳng định: Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.