Những điều đối nghịch giữa Trấn Thành và Hoàng Nam
Trấn Thành và Hoàng Nam là 2 đạo diễn 'tay ngang' có phim trăm tỷ mùa Tết 2025.
Trấn Thành và Hoàng Nam là 2 cái tên được nhắc đến nhiều trên đường đua phim Tết năm nay. Cùng là đạo diễn tay ngang, cùng ra phim vào dịp Tết và đạt doanh thu trăm tỷ, cả hai không tránh khỏi sự so sánh từ khán giả về cách làm phim và quan điểm nghệ thuật.
Hoàng Nam ‘lục tung nhà sách’ để tìm tư liệu, Trấn Thành không đọc hết 1 cuốn sách
Tính đến ngày 18/2, Bộ Tứ Báo Thủ của Trấn Thành đạt doanh thu 327 tỷ đồng, sau 19 ngày ra mắt chính thức. Phim thuộc thể loại hài, đánh dấu sự tái xuất của Trấn Thành sau Mai - phim điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại.
Còn phim thể loại kinh dị của đạo diễn Hoàng Nam - Đèn Âm Hồn đã cán mốc 100 tỷ đồng. Hai dự án này ra mắt cách nhau 10 ngày, Bộ Tứ Báo Thủ chiếu vào mùng 1, còn Đèn Âm Hồn là mùng 10 Tết.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông giữa lúc phim rục rịch ra mắt, Trấn Thành từng gây tranh luận với phát ngôn “không đọc hết một cuốn sách” hay 'chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để đọc hết một trang sách". Nam đạo diễn cho biết những lời thoại trong phim chủ yếu được anh đúc kết từ thực tế cuộc sống, không hề vay mượn từ sách và cũng không nhằm mục đích rao giảng đạo lý.
"Tôi không dùng từ ‘đạo lý’, vì tôi thấy mọi người đang tiêu cực hóa khái niệm này. Tôi làm phim không có chủ đích giảng đạo lý với ai. Những câu nói trong phim, đó là những gì tôi nghĩ, tôi muốn nói ra. Nhưng nếu mọi người nói tôi giảng đạo lý, tôi không có quyền cấm.
Những thông điệp tôi đưa ra còn không có trong sách vì tôi rút ra được từ kinh nghiệm sống của mình. Tôi thừa nhận tôi chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách. Tôi ít đọc sách nên đừng nói tôi lấy đạo lý từ một cuốn sách nào đó. Thậm chí, tôi còn chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để đọc hết một trang sách.
Trong phim của tôi, nếu mọi người nói đó là đạo lý thì đó là đạo lý, còn nói đó là một góc nhìn, trải nghiệm thì là một góc nhìn, tùy mọi người định nghĩa", Trấn Thành chia sẻ.
Còn với đạo diễn Hoàng Nam, anh từng cho biết mình đọc sách, báo từ nhỏ. Có lần, Hoàng Nam tiết lộ mình phải “lục tung cả nhà sách” để tìm chất liệu làm phim Đèn Âm Hồn.
“Tôi đã đọc rất nhiều tư liệu, bao gồm cả những cuốn sách của tác giả nước ngoài viết về Việt Nam. Những trò chơi dân gian, những phong tục cổ truyền dần trở thành chất liệu quý giá giúp tôi xây dựng thế giới trong phim”, Hoàng Nam chia sẻ.
Người chú trọng hình ảnh, người mạnh về ngôn từ
Từ khi bắt đầu làm phim với Bố Già, đến Nhà Bà Nữ, Mai hay Bộ Tứ Báo Thủ, Trấn Thành được nhận xét là một nhà kể chuyện đầy cảm xúc. Những bộ phim của anh được cài cắm nhiều thông điệp đáng suy ngẫm về tình yêu và cuộc sống, nhận 2 luồng ý kiến trái ngược.
Người cho rằng Trấn Thành sâu sắc, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng anh suốt ngày rao giảng đạo lý. Mặc dù Trấn Thành đã khẳng định mình không chủ trương giảng đạo lý, nhưng vẫn khiến netizen bàn tán về nhiều.


Về phía Hoàng Nam, anh cho biết việc dùng đạo lý hay các diễn giải về ngôn từ không phải phong cách của mình. Nam đạo diễn chú trọng kể chuyện bằng hình ảnh, dành nhiều tâm sức để đầu tư cho quay dựng, bối cảnh. Netizen thấy được điều đó khi Đèn Âm Hồn ra mắt.
“Tôi không cố gắng truyền tải đạo lý mà chỉ muốn kể một câu chuyện để khán giả tự cảm nhận và rút ra ý nghĩa cho riêng mình. Rất may, cách làm phim này được nhiều người đồng cảm”, Hoàng Nam chia sẻ.
Thể loại đặc trưng gắn liền với mỗi đạo diễn
Mỗi một đạo diễn sẽ có thế mạnh riêng về thể loại, cách làm phim - điều đặc trưng khiến khán giả nhớ ngay mỗi khi nhắc đến.
Trấn Thành xuất thân từ diễn viên hài, tham gia đóng phim điện ảnh từ năm 2010. Đến năm 2021, anh thử sức với vai trò đạo diễn, ra mắt bộ phim đầu tay là Bố Già (đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng).
Hầu hết các bộ phim của Trấn Thành đều khai thác chủ đề hài - chính kịch xen tâm lý - tình cảm gia đình. Thể loại phim nam đạo diễn theo đuổi thuộc thời hiện đại, xoáy sâu vào cuộc sống thường nhật với nhiều thông điệp được cài cắm.


Với Hoàng Nam, anh có 10 năm làm YouTuber trước khi làm phim. Dù ở mảng nào, chủ đề xuyên suốt Hoàng Nam lựa chọn là văn hóa, văn học Việt Nam. Trả lời truyền thông giữa lúc Đèn Âm Hồn ra mắt, Hoàng Nam từng cho biết anh đang ấp ủ nhiều kịch bản phim nhưng tất cả đều có cùng một điểm chung là thể hiện lòng tự hào dân tộc, tôn vinh nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam.
Thêm nữa, Đèn Âm Hồn khai thác chủ đề cổ trang, lấy bối cảnh xưa, khiến phim được chú ý hơn khi ra mắt cùng lúc với các dự án hiện đại khác.