Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 27/01/2025 11:42 (GMT+7)

Những hạn chế về dạy thêm đối với giáo viên trường công lập từ 14/02/2025

Kể từ ngày 14/02/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, sự hạn chế về dạy thêm đối với giáo viên trường công lập từ thời điểm này vẫn đang là thắc mắc chung của nhiều người.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tại Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm có quy định rõ về 03 trường hợp như sau:

Thứ nhất, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ 03 trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật; Thể dục thể thao; Rèn luyện kĩ năng sống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thứ hai, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thứ ba, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy, từ quy định trên có thể thấy 02 hạn chế về dạy thêm đối với giáo viên trường công lập là:

Không được quản lý điều hành cơ sở dạy thêm

Luật sư cho hay, bởi khoản 3 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã quy định, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Điều này có nghĩa, giáo viên trường công lập có thể thể dạy thêm ngoài nhà trường tuy nhiên không được tham gia quản lí và điều hành.

Tức nếu đăng ký kinh doanh thì giáo viên trường công lập không được đứng tên hộ kinh doanh, doanh nghiệp tổ chức hoạt động dạy thêm.

Không được dạy học sinh mình đang dạy chính khóa

Cũng theo Luật sư, đây là điều được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".

Như vậy, giáo viên được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền nhưng không được dạy học sinh mình đang dạy chính khóa ở lớp chính thức trong trường.

Ngoài ra, Luật sư cũng thông tin về một số quy định về dạy thêm mà các giáo viên cần lưu ý. Cụ thể:

Không được dùng bất cứ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm

Nội dung này được quy định tại Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Theo đó, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ học sinh đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Bên cạnh đó, việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

Không được cắt giảm nội dung dạy học ở trường đưa vào dạy thêm

Về nội dung dạy thêm, học thêm khoản 3 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định, không được trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Cần lưu ý là không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.

Về thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm là phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

Dạy thêm ở nơi đã được đăng ký kinh doanh

Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Có thể thấy nếu cơ sở, trung tâm dạy thêm bắt buộc phải đăng ký kinh doanh mới được hoạt động. Nếu không, sẽ bị xử phạt theo quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình dạy học của giáo viên.

Tham gia dạy ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng

Theo Luật sư, đây là một trong những quy định mà người dạy thêm ngoài nhà trường cần lưu ý. Cụ thể, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Bên cạnh đó, người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Cùng chuyên mục

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục rà soát quy định dạy thêm
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 597/VPCP-KGVX gửi các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý thông tin phản ánh về quy trình tuyển dụng lao động; đăng ký thuốc; chương trình giáo dục phổ thông (trong đó có quy định về dạy thêm, học thêm).
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Tin mới

Công an Hà Nội cảnh báo lừa đảo đặt phòng nghỉ dưỡng dịp Tết
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng. Nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.
Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Ngày 26/1, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngày 27/1 (tức ngày 28 Tết) cơ bản ổn định, giá hàng hóa tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như: gà ta, thủy hải sản, rau củ xanh dự báo có thể tăng nhẹ do nhu cầu mua để dự trữ trong những ngày Tết cùng với sự ảnh hưởng không khí lạnh tại khu vực Miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Chuẩn bị chu đáo công tác khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài 9 ngày, để bảo đảm công tác cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành đã thực hiện công tác chuẩn bị từ rất sớm, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho đến đội ngũ nhân lực.