Những phát hiện mới liên quan đến căng thẳng nhiệt độ ở Việt Nam
PGS. TS Ngô Đức Thành từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cùng nghiên cứu sinh Vũ Nhung từ Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện một nghiên cứu chi tiết về mối quan hệ giữa nhiệt độ, độ ẩm và căng thẳng nhiệt.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong Bài báo "Spatial Distribution and Trends of Heat Stress in Vietnam” xuất bản trên tạp chí Environment and Natural Resources Journal.
Nghiên cứu tập trung vào tìm câu trả lời cho hai câu hỏi chính: Sự tương tác giữa nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến căng thẳng nhiệt như thế nào? Và căng thẳng nhiệt đã thay đổi như thế nào trong bốn thập kỷ qua?
Từ hai vấn đề đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 68 trạm khí tượng trong giai đoạn 1979-2018, tập trung vào nhiệt độ tối đa hàng ngày (Tx) và độ ẩm vào lúc 13h00 (RH13). Dựa trên dữ liệu này, họ tính toán chỉ số nhiệt độ cầu ướt tối đa hàng ngày (TWmax) để đánh giá mức độ căng thẳng nhiệt.
Kết quả cho thấy, vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có độ ẩm thấp hơn các vùng khác trong mùa hè và mùa đông xuân do hiệu ứng Phơn. Xu hướng giảm độ ẩm ở nhiều trạm khí tượng có liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ tối đa hàng ngày.
Một phát hiện quan trọng là sự gia tăng các ngày căng thẳng nhiệt trên toàn Việt Nam, với mức tăng từ 0,8 đến 4,2 ngày mỗi thập kỷ. Ngưỡng căng thẳng nhiệt dao động từ 10,5 đến 36,1 ngày mỗi năm, với nhiều trạm khí tượng ghi nhận hơn 18,5 ngày căng thẳng nhiệt hàng năm. Mùa hè là nguyên nhân chính gây căng thẳng nhiệt, chiếm từ 52 đến 80% số ngày căng thẳng nhiệt hàng năm, ngoại trừ Tây Nguyên và miền Nam, nơi mùa xuân là nguyên nhân lớn nhất.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự gia tăng căng thẳng nhiệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất, đặc biệt đối với những người làm việc ngoài trời.
Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn bị và thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì sinh kế ổn định ở Việt Nam.