Những tiếng gọi thân thương…
Nhiều lần đi lại trên tuyến đường Quốc 1A, đoạn từ cầu Long Định đến xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tôi muốn dừng chân đến thăm gia đình người quen đã gần 25 năm rồi chưa gặp lại.
Thời gian gần đây, nhờ có facebook, tôi đã liên lạc được với người em thứ 8, thứ 9 của gia đình (có 8 người con, đều là nữ,…) mới hay bác trai xuất gia tu hành ở một ngôi chùa tại tỉnh Đồng Tháp, vì ngồi thiền nhiều năm liên tục nên hai chân bị đau khớp, khó cử động, nên gia đình đưa về nhà để tu tại gia. Cũng qua lời các em, tôi được biết căn nhà ngày xưa, quán nước giải khát ngày xưa nằm trên Quốc lộ 1A- nơi mà cách nay gần 25 năm là chốn thân quen của tôi- vẫn còn đó, vẫn là vợ chồng anh chị thứ 6 đứng ra buôn bán, cách đó gần 500m là quán ăn phục vụ khách đi đường có bảng hiệu “ÚT NGÂN” là của vợ chồng người em gái út.
Tối cuối tuần về thăm nhà ở Vĩnh Long, tôi muốn tạo một không khí bất ngờ nên đến quán cơm “ÚT NGÂN”, tọa lạc ở ấp Hòa, xã Nhị Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang),… làm khách qua đường vào ăn cơm vào khoảng hơn 20 giờ đêm. Khi tôi đến thì quán đã kín xe tải, du lịch, khách ngồi ăn cơm nói chuyện rôm rả. Đậu xe ngay ngắn, vừa xuống xe, bước vào quán chưa đầy 10 bước chân là tôi giật mình khi nghe tiếng của người em thứ 9: “Anh Duy! Anh Duy kìa…”, một tiếng gọi hết sức bất ngờ nhưng đầy tình cảm anh em gần 25 năm chưa gặp lại. Ngồi vào ghế, tôi hỏi em giá thứ 9: “Sao em nhận ra anh nhanh vậy?”… Em gái trả lời không chút đắn đo: “Anh Duy có khác gì ngày trước đâu, nên khi anh vào quán là em nhận ra liền”.
Qua trò chuyện tôi biết thêm quán cơm “ÚT NGÂN” ngày càng đông khách, nên người em gái thứ 9 đã đến làm việc tại đây cùng vợ chồng người em gái út. Sau khi gọi các món ăn, đúng với các món ăn mà tôi yêu thích như: cá kho tộ, canh chua,… và quán cơm “ÚT NGÂN” nêm nếm thức ăn hợp khẩu vị nhiều người, có lẽ vì thế mà tôi nhận thấy khách ra- vào liên tục. Chưa ăn xong thì người em thứ 9 đã nói: “Vợ chồng Út Ngân mời anh Duy dùng bữa cơm nên không có tính tiền anh Duy”. Tất nhiên là tôi không đồng ý, muốn gửi lại tiền cơm nhưng vợ chồng người em gái út luôn từ chối. Đối với người em gái út Ngân thì tôi có nhiều kỷ niệm và từng đặt biệt danh cho em là “Út mì”, vì 25 năm trước, út Ngân rất thích ăn mì gói.
Ra xe về, đến gần quán giải khát quen thuộc, đèn vẫn còn sáng, tôi liền tạt vào thì thấy anh Sáu nằm ngủ trên võng với một bé trai (sau đó tôi mới biết là con trai của vợ chồng út Ngân, do buôn bán cả ngày nên gửi vợ chồng anh chị Sáu trông giữ), chị Sáu cũng nằm võng nhưng quay người vào trong, trên tay cầm điện thoại xem kênh youtube. Tôi đến gần võng của chị Sáu và lên tiếng: “Chị Sáu xem gì đó?". Chị Sáu ngồi nhổm dậy, quay người lại, nhìn tôi cười thật tươi: “Duy, em hả Duy?”… rồi anh Sáu cũng thức giấc, hỏi: “Em mới về hả Duy?”. Thế là anh chị Sáu và tôi hàn huyên tâm sự, từ chuyện gia đình đến cuộc sống, rồi tương lai của con cháu,…
Cách đó khoảng một tuần, khi tôi về Vĩnh Long thăm ba mẹ, bạn bè,… hớt tóc ở tiệm “Đúng” thuộc phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh. Khi vào quán mọi người đều đeo khẩu trang, kể cả nhân viên nam- nữ ở tiệm tóc. Hớt tóc xong đến lúc cạo mặt, gỡ khẩu trang thì một cô nhân viên ở tiệm tóc hỏi: “Anh Duy nhớ em không? Em là con chú Dũng, chủ nhà nghỉ Tân Nam Nguyên!”. Khi em nhắc đến tên chú Dũng thì tôi nhớ ra ngay, những đầu thập niên 20, khi ấy tôi có công tác ở quận Tân Phú (TP.HCM), chú Dũng có 2 cô con gái và 1 con trai, làm chủ 3 quán cà phê ở đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Thời điểm ấy, tôi có hỗ trợ gia đình về mặt kinh doanh, quan hệ với địa phương… Đã hơn 20 năm trôi qua, gia đình chú Dũng trở về quê thị xã Bình Minh sinh sống.
Giữa bộn bề cuộc sống lo toan, một số ít người đến với nhau vì tiền và lợi dụng. Nhưng trong sâu thẳm, tình cảm của người dân miền Tây Nam Bộ nói riêng, người dân cả nước nói chung vẫn chất chứa nhiều yêu thương, chất phác, thật thà, ngay thẳng,… như những tiếng gọi với âm thanh quen thuộc đã trở thành thân thương, dù có cách xa nhau 20- 30 năm hoặc lâu hơn, tình cảm thân thương đó vẫn không phai mờ trong tiềm thức của mỗi người.