Nông thôn mới nơi miền biên viễn Si Ma Cai
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện Si Ma Cai, Lào Cai đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Từ thành phố Lào Cai, chạy xe chừng 100km theo hướng Đông Bắc, chúng tôi tìm về với huyện miền biên viễn Si Ma Cai vào một ngày trung tuần tháng sáu. Trong sắc màu lấp lánh của nắng, nhiều thôn bản ở Si Ma Cai hiện lên thật khác lạ bên núi đồi hùng vĩ hút tầm mắt. Nơi đây không còn ảm đạm bởi đói nghèo, bởi những phong tục, tập quán lạc hậu. Thay vào đó là một khung cảnh tươi sáng, yên bình và phát triển. Ánh sáng điện lưới quốc gia và ánh sáng của cuộc sống mới đã hiển hiện trên từng nếp nhà, làm ấm lòng người dân miền biên giới.
Cán bộ kỹ thuật của huyện hướng dẫn người dân chăm sóc mận Tả Van. |
Đem những nhận xét tích cực về nông thôn mới (NTM) ở huyện Si Ma Cai, với cảm nhận về một vùng đất đang đổi thay từng ngày, để cùng trao đổi với các cán bộ trực tiếp triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM của huyện. Chúng tôi được lãnh đạo huyện cho biết, chính quyền và bà con nhân dân Si Ma Cai đều rất vui mừng khi thấy diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay. Các gia đình trong huyện đang cùng nhau hăng hái thi đua xây dựng đời sống văn hóa, thi đua lao động sản xuất, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lãnh đạo huyện Si Ma Cai chia sẻ: Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên và đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có nhiều thay đổi, đường giao thông nông thôn được cứng hóa rất thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, an ninh nông thôn được giữ vững ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Cộng tác viên Hàn Quốc giúp nhân dân làm đường giao thông. |
Khi được PV đề nghị chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng NTM ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Si Ma Cai, lãnh đạo UBND huyện cho biết: Để triển khai chương trình xây dựng NTM, Si Ma Cai xác định khâu cán bộ là then chốt. Chúng tôi nhận thấy, xã nào có cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm… thì kết quả xây dựng NTM ở xã đó đạt kết quả tốt, nhân dân ủng hộ và ngược lại.
Tiếp đó là việc Si Ma Cai lựa chọn các tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”, lựa chọn các tiêu chí có tính quyết định, lan tỏa… Xác định các tiêu chí ưu tiên để phát động phong trào thi đua hàng năm, nhằm quyết tâm thực hiện hoàn thành, có hình thức khen thưởng kịp thời để khuyến khích thực hiện.
Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả chương trình. Huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Kinh nghiệm cho thấy, xã nào làm tốt công tác này thì xã đó hoàn thành tốt chương trình và ngược lại.
Và một kinh nghiệm quan trọng nữa là phải nâng cao vai trò của các đồng chí lãnh đạo huyện được giao phụ trách xã, thôn nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở tổ chức thực hiện các nội dung của chương trình.
Do làm tốt các mặt này, nên với chủ trương đúng đắn, sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân, đồng thời bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã phát triển, diện mạo nông thôn miền núi thay đổi rõ nét, các lĩnh vực đều đạt và vượt so với mục tiêu chương trình đề ra.