Pakistan: Lần đầu sử dụng công nghệ mưa nhân tạo để chống khói bụi
Chính phủ Pakistan lần đầu sử dụng mưa nhân tạo ở nước này vào ngày 16/12, trong nỗ lực chống lại mức độ ô nhiễm khói bụi nguy hiểm ở siêu đô thị Lahore.
Trong lần thử nghiệm đầu tiên, các máy bay được trang bị thiết bị tạo mây đã bay trên 10 khu vực của Lahore, những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí tồi tệ nhất.
Đại diện chính quyền Lahore cho biết các trang thiết bị trên được cung cấp bởi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
"Đội ngũ nhân viên từ UAE cùng với 2 máy bay đã đến đây khoảng 10 đến 12 ngày trước”, chính quyền cho biết.
UAE sử dụng kỹ thuật gieo hạt trên đám mây, hay được gọi là mưa nhân tạo, để tạo mưa trên vùng đất khô cằn rộng lớn.
Hiện công nghệ này đã được triển khai ở hàng chục quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia cho biết ngay cả lượng mưa rất nhỏ cũng có hiệu quả trong việc giảm ô nhiễm.
Ô nhiễm không khí đã trở nên tồi tệ hơn ở Pakistan trong những năm gần đây, do hỗn hợp khói diesel, khói từ đốt cây trồng theo mùa và nhiệt độ mùa đông lạnh hơn, kết hợp tạo thành những sương mù dày đặc.
Lahore phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm nặng nề này nhiều năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn 11 triệu cư dân. Chính phủ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giảm ô nhiễm không khí ở Lahore, bao gồm phun nước trên đường và đóng cửa trường học, nhà máy và chợ vào cuối tuần, nhưng không có hoặc rất ít hiệu quả.
Theo WHO, việc hít thở không khí độc hại kéo dài có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp.