Pháp luật quy định như thế nào về kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc?
Anh tôi là cán bộ huyện, vừa qua có nhận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc? Bạn đọc N.A. hỏi.
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 và khoản 3 Điều 7 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức; cách chức và buộc thôi việc, trong đó buộc thôi việc là hình thức kỷ luật nặng nhất.
Việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sẽ phải tuân thủ các quy định chung về xử lý kỷ luật công chức được quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể gồm:
- Nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 2);
- Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật (Điều 5);
- Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức (Điều 24);
- Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức (Điều 25).
Đồng thời, phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
Ngoài ra, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 của Chính phủ (Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công; hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn).
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: “Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc”.