Phát hiện giáo viên kéo xềnh xệch con trai ra một góc, bà mẹ tức giận gọi điện, nhưng nghe giải thích lại quay ra xin lỗi
Qua camera, bà mẹ phát hiện con trai bị kéo ra một góc, lủi thủi đứng một mình.
Với sự phát triển của công nghệ, cha mẹ có thể dễ dàng theo dõi chuyện học của con cái, nhất là ở độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, việc quan sát cũng chỉ đánh giá một phần. Nếu gặp chuyện bất thường, phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn với giáo viên để tránh rơi vào trường hợp khó xử.
Câu chuyện của bà mẹ Gu (Trung Quốc) dưới đây là ví dụ. Một lần, khi quan sát qua camera trường mầm non, bà phát hiện trong khi cả lớp đang làm bài tập thì con trai lại lủi thủi một mình.
Giáo viên dắt tay học trò ra một góc khiến cậu bé không hiểu được những gì mà cả lớp đang học. Bà Gu vô cùng tức giận, cho rằng giáo viên đang cố tình đối xử khác biệt với con trai, khiến cậu bé ngày càng thu mình.
Ngay lập tức, bà Gu đã gọi điện mắng người giáo viên vô trách nhiệm này.
Tuy nhiên, câu trả lời lại khiến bà mẹ sững người. Cô giáo khuyên bà Gu nên đưa con trai sớm đi khám sức khỏe vì cậu bé có biểu hiện lo lắng về tâm lý, luôn tỏ ra lo sợ trước đám đông. Cô giáo sợ cậu nhóc bị ảnh hưởng tâm lý nên đã dẫn ra một góc để hướng dẫn riêng.
Sau khi đi khám, bà Gu phát hiện con trai bị chậm phát triển ngôn ngữ. Đó là lý do cậu bé luôn núp và tránh giao tiếp với các bạn cùng lớp.
Thực tế, đi học mẫu giáo luôn cần sự kết hợp nhịp nhàng giữa phụ huynh và giáo viên. Hai bên cần chung tay với nhau, thì mới sớm phát hiện được những biểu hiện tâm lý bất thường từ trẻ.
Vậy cha mẹ cần làm gì để trẻ đi học mẫu giáo được thuận lợi?
1. Giúp trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân
Ở trường mầm non, giáo viên phải quản hàng chục học sinh. Việc không thể quan tâm các em đều như nhau là chuyện hoàn toàn bình thường. Cha mẹ nên dừng ngay tư tưởng "cứ để con ở trường là xong chuyện", thay vào đó tự dạy con một số hoạt động đơn giản như: mặc quần áo, buộc dây giày, đi vệ sinh...
2. Tích cực trao đổi ý kiến với nhà trường
Khi gặp quá nhiều trẻ em mới, giáo viên nhất thời chưa thể nhớ hết đặc điểm, tính cách, sở thích... Cha mẹ có thể chuẩn bị sẵn một tờ giấy giới thiệu về con mình, rồi để trẻ đưa cho giáo viên.
Phụ huynh cũng nên trao đổi với giáo viên vào thời điểm cố định trong tuần. Ví dụ trao đổi tình hình học tập vào thứ 6 hằng tuần. Điều này sẽ giúp mọi vấn đề của bé được phát hiện và xử lý kịp thời.
3. Quan sát kỹ hành vi của bé
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, thì chắc hẳn đã bị tác động tâm lý hay ảnh hưởng sức khỏe. Cha mẹ nên quan sát kỹ từng hành động của con. Nếu con bạn là người thu mình, có thể hỏi thăm qua những đứa trẻ cùng lớp. Hạn chế làm ầm ĩ chuyện của con trước lớp, vì như vậy càng khiến trẻ lo sợ việc đến trường.
4. Hiểu kỹ những nét tính cách đặc biệt
Nếu con bạn trở nên lầm lì, ít nói, thường không tập trung trong lớp thì hãy cho trẻ đi khám sớm nhất. Đó có thể là biểu hiện của "thần đồng", phát triển sớm trước tuổi. Hoặc có thể do con bạn bị mắc bệnh tâm lý nào đó như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ... Dù sao thì những nét tính cách đặc biệt đó cần được hiểu rõ nguyên nhân, để có hướng dạy dỗ phù hợp.
Nguồn: Sohu