Phú Thọ: Chuyển đổi vật nuôi đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm dịp cuối năm
Những tháng cuối năm, nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong đó có thịt lợn được dự báo sẽ tăng cao. Tuy nhiên, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh Phú Thọ.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát thực trạng sản xuất, xây dựng kế hoạch, giải pháp đảm bảo thực phẩm phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2020; chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất, đồng thời tuyên truyền để người dân chuyển đổi tập quán sử dụng các thực phẩm thay thế thịt lợn.
Trước đó, ngày 6/11, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại khoảng 54.607 con, khối lượng 3.203 tấn, trong đó có 33 xã, phường công bố tái phát dịch lần 2. Đây chưa phải là con số cuối cùng khi dịch bệnh hiện nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang chú trọng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giữ đàn; đồng thời chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất tại các gia trại, trang trại bị DTLCP, góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho các hộ chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp tối ưu giúp ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt lợn trong dịp tết Nguyên đán năm 2020.
Trước đây, gia đình ông Đào Xuân Nhã ở khu 8, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông và nhiều hộ dân chăn nuôi trong xã chủ yếu là nuôi lợn. Nhưng 2 năm trở lại đây, trước diễn biến phức tạp của bệnh tai xanh, lở mồm long móng và hiện nay là bệnh DTLCP... gia đình ông Nhã và nhiều hộ dân ở đây đã chuyển sang nuôi bò thịt và bò sinh sản. Do tận dụng được đồng cỏ sẵn có tại địa phương nên việc nuôi bò của ông rất thuận lợi. Mỗi con bò nái sau 1 năm cũng thu lãi được từ 10 - 15 triệu đồng. Ông Nhã cho biết: Để chuồng trại trống vì dịch bệnh thì sẽ không có thu nhập, do vậy gia đình quyết định chuyển sang nuôi bò vừa để có nguồn cung thực phẩm trong dịp cuối năm vừa để tăng thu nhập.
Thấy được hiệu quả của việc nuôi bò nên hiện nay nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tề Lễ đã chuyển sang nuôi trâu, bò. Theo thống kê của địa phương, đến nay toàn xã đã có gần 100 hộ đầu tư nuôi trâu bò với tổng đàn là gần 1.500 con. Nhiều hộ đã đầu tư nuôi từ 10 đến 20 bò nái.
Còn gia đình anh Đặng Văn Sỹ ở khu 7, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, sau khi đàn lợn 50 con bị buộc phải tiêu hủy vì DTLCP khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh Sỹ cho biết: "Từ trước đến nay kinh tế của cả gia đình cơ bản phụ thuộc vào chăn nuôi nên không đành lòng nhìn chuồng trại bị bỏ trống. Tận dụng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn sẵn có, tôi đầu tư mở rộng nuôi trâu thịt với số lượng khoảng 30 con bởi thời gian chăn nuôi ngắn, ít dịch bệnh lại thu hồi vốn nhanh. Mỗi một lần bán, gia đình thu về khoảng 35 triệu đồng/con. Khi điều kiện phù hợp, gia đình sẽ tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học để phòng tránh dịch bệnh".
Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập cho biết: "Để đảm bảo ổn định ngành chăn nuôi và nguồn thực phẩm trong dịp cuối năm, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo bà con chủ động chuyển đổi vật nuôi ngay từ khi xuất hiện DTLCP. Căn cứ vào điều kiện từng vùng, huyện đã khuyến khích các xã thuộc vùng trũng, có nhiều ao hồ chuyển sang chăn nuôi ngan, vịt. Các địa phương khác chuyển sang chăn nuôi gà đẻ, gà thương phẩm, trâu, bò... Đồng thời tổ chức chi trả sớm kinh phí tiêu hủy lợn mắc DTLCP để người dân đầu tư sản xuất".
Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh một số người dân chuyển sang chăn nuôi trâu, bò, dê thì đa phần người dân chuyển sang chăn nuôi gia cầm, điều này sẽ khiến cho tổng đàn gia cầm tăng nhanh cục bộ. Trong khi đó, các hộ chuyển đổi vật nuôi chủ yếu theo hình thức tự phát, không chủ động được đầu ra cho sản phẩm, vì vậy rất có thể xảy ra nguy cơ thừa nguồn cung vào dịp cuối năm. Mặt khác, một số hộ chăn nuôi lợn chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh gia cầm nên rất dễ xảy ra dịch bệnh.
Theo ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để chuyển đổi vật nuôi bảo đảm hiệu quả và an toàn trong tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do DTLCP còn nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương cần xác định vật nuôi chủ lực theo thứ tự ưu tiên là: con lợn, gà, bò, trâu và các loại vật nuôi đặc trưng như gà nhiều cựa, dê, vịt, thỏ... Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, phòng tránh dịch bệnh, đặc biệt là tránh chuyển đổi vật nuôi ồ ạt.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp khuyến nghị người dân có thể bù đắp lượng thiếu hụt thịt lợn bằng gia cầm và các loại gia súc khác. Qua đó có thể tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; nâng dần tỷ trọng gia cầm và đại gia súc khác; giảm dần sự lệ thuộc vào cơ cấu thịt lợn như hiện nay.