Sau khi nghỉ việc, người lao động có được phép tự chốt sổ BHXH?
Theo quy định hiện nay, sau khi nghỉ việc, người lao động có được phép tự chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động không thể tự chốt sổ BHXH được. Việc chốt sổ bảo hiểm phải được thực hiện bởi người sử dụng lao động.
Theo Điều 48, Bộ luật Lao động năm 2019, một trong những trách nhiệm mà người sử dụng lao động phải thực hiện khi hợp đồng lao động chấm dứt là việc hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của nhân viên.
Trách nhiệm này cũng được khẳng định lại tại khoản 5, Điều 21, Luật BHXH năm 2014. Theo đó, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục chốt sổ cho người lao động tại cơ quan BHXH.
Trường hợp người lao động tự đem giấy tờ đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục chốt sổ, nhân viên bảo hiểm đều từ chối hồ sơ và hướng dẫn người lao động quay lại công ty cũ để đề nghị họ làm thủ tục chốt sổ BHXH.
Xử lý thế nào khi công ty không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động?
Theo Luật sư, trong trường hợp sau khi nghỉ việc mà công ty cố tình trì hoãn, không chịu chốt sổ bảo hiểm, người lao động có thể áp dụng một trong các cách sau đây để buộc công ty phải chốt sổ cho mình.
Cách 1. Khiếu nại theo quy định
Theo khoản 2, Điều 119, Luật BHXH, đối với các tranh chấp liên quan đến việc chốt sổ BHXH, người lao động tiến hành từng bước khiếu nại như sau:
- Khiếu nại lần 1: Đến chính người sử dụng lao động.
Nếu không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì tiếp tục khiếu nại lần 2.
- Khiếu nại lần 2: Đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
Cách 2. Tố cáo sai phạm của công ty
Hành vi không sổ BHXH của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của người lao động.
Do đó, người lao động có quyền tố cáo hành vi vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để xử lý vi phạm và yêu cầu sổ bảo hiểm.
Cách 3: Khởi kiện đến Tòa án
Theo khoản 1, Điều 188, Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 2, Điều 119, Luật BHXH, đối với tranh chấp về BHXH, người lao động có thể trực tiếp gửi đơn khởi kiện đến TAND cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu chốt sổ BHXH.