Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh, một huyện ở Hà Nội có hơn 1.000 ca mắc
Trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, phát sinh thêm hàng chục ổ dịch mới.
Theo chu kỳ 5 năm một lần, năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội, hiện đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2020. Hà Nội ghi nhận 12 người tử vong, trong khi năm 2021 không có người nào chết vì sốt xuất huyết. Theo dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô sẽ là trung tuần tháng 11 đến tháng 12, nguy cơ có nhiều ca nặng. Hiện nay, nhiều ổ dịch còn tồn đọng, nhiều nơi có nguy cơ bùng phát thành dịch như công trường xây dựng, khu nhà trọ… nhưng người dân vẫn còn chủ quan.
Sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo dịch
Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn năm 2022 đến nay số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận khoảng gần 10.000 ca, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bệnh nhân phân bổ tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Số bệnh nhân ở các quận nội thành ít hơn so với các huyện ngoại thành.
Đáng chú ý, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng. Do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.
Theo TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với đặc điểm của thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh, bên cạnh đó vào đầu tháng 10 số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố về Hà Nội nhập học đông, tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao.
Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Vì vậy, theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.
Đan Phượng ghi nhận hơn 1.000 ca mắc từ đầu năm
Thông qua báo cáo hàng tuần của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, thời gian qua, Đan Phượng là một trong những địa phương có tình hình dịch sốt xuất huyết phức tạp nhất với số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh. Tuy nhiên, dịch đang được kiểm soát với kết quả tích cực.
Theo ông Nguyễn Gia Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, tính đến tuần 43, địa phương này đã ghi nhận 1.039 ca mắc sốt xuất huyết. Các bệnh nhân được phát hiện toàn bộ 16/16 xã, thị trấn.
Các ca mắc tập trung chủ yếu ở thị trấn Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập… Mặt khác, địa phương này ghi nhận tổng cộng 37 ổ dịch từ đầu năm tới nay, trong đó có 26 ổ dịch đã kết thúc, 11 ổ dịch vẫn còn hoạt động.
Hiện nay, xã Tân Lập là một trong 4 xã trọng điểm về sốt xuất huyết với số ca mắc và ổ dịch đứng đầu trên toàn huyện. Cụ thể, tính đến nay, trên địa bàn xã Tân Lập đã ghi nhận tổng cộng 325 ca mắc cùng 7 ổ dịch sốt xuất huyết.
Lý giải về vấn đề này, ông Phúc nói: “Nguyên nhân chủ yếu là đặc điểm về dân cư đông nhất trong các xã, thị trấn của huyện. Bên cạnh đó, nhiều khu vực có người thuê trọ đến từ các nơi, phong tục tập quán của người dân khiến vẫn còn tình trạng các bể chứa nước nổi, không có nắp đậy, dụng cụ phế thải, phế liệu còn tồn đọng nhiều… tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và gây dịch bệnh”.
5 nguyên tắc phòng, chống sốt xuất huyết cần nắm
Với tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.
Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.