Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 17/01/2024 16:49 (GMT+7)

Số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đang giảm dần

Ngày 16/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số người trưởng thành hút thuốc lá đang giảm dần trong những năm gần đây.

Theo WHO, trong năm 2022, cứ 5 người trưởng thành lại có 1 người hút thuốc hoặc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, chiếm khoảng 20%, giảm so với mức hơn 33% trong năm 2000.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo các công ty sản xuất thuốc lá hiện đang cố tìm cách để đảo ngược xu hướng này.

WHO dẫn báo cáo mới về xu hướng hút thuốc lá từ năm 2000 đến năm 2030 cho thấy 150 quốc gia đã ghi nhận số người hút thuốc giảm. Dù tỷ lệ hút thuốc giảm ở hầu hết các nước, song WHO cảnh báo số ca tử vong liên quan đến thuốc lá có thể vẫn ở mức cao trong nhiều năm tới.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT).

Thống kê của WHO cho thấy thuốc lá vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó có tới 1,3 triệu người không hút thuốc, song tiếp xúc với khói thuốc. Báo cáo nêu rõ các quốc gia áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát thuốc lá có thể phải mất khoảng 30 năm nữa mới có thể chứng kiến sự thay đổi tích cực liên quan đến số ca tử vong do thuốc lá.

Bên cạnh đó, WHO còn cảnh báo dù số người hút thuốc giảm dần, song thế giới vẫn có thể không đạt được mục tiêu giảm 30% lượng tiêu thụ thuốc lá trong giai đoạn 2010-2025.

Có 56 nước trên thế giới có thể đạt mục tiêu này, trong đó có Brazil - vốn đã giảm được 35% lượng người hút thuốc kể từ năm 2010. Trong khi đó, lại có 6 nước chứng kiến số người hút thuốc gia tăng kể từ năm 2010 gồm CH Congo, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Moldova và Oman. Nhìn chung, thế giới đang trên đà giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 25% giai đoạn 2010-2025.

WHO cho rằng các công ty hàng đầu trong ngành thuốc lá đang có ý định đảo ngược xu hướng này. Theo ông Ruediger Krech, Giám đốc bộ phận nâng cao sức khỏe của WHO, ngay khi nhiều nước nghĩ rằng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống thuốc lá, ngành công nghiệp này đã nắm bắt cơ hội để "thao túng các chính sách y tế và bán các sản phẩm gây chết người."

Do đó, WHO kêu gọi tất cả các nước duy trì và tăng cường các chính sách kiểm soát, cũng như chống lại “sự can thiệp của ngành thuốc lá.” Theo đó, cần tập trung vào việc thu thập dữ liệu về tiêu thụ thuốc lá ở đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là các sản phẩm không khói thuốc mới hơn.

Báo cáo cho biết khoảng 10% số trẻ trong độ tuổi từ 13-15 tiêu thụ từ một hoặc nhiều loại thuốc lá, song con số này ở lứa tuổi thanh thiếu niên lên tới 37 triệu, trong đó có ít nhất 12 triệu người sử dụng các sản phẩm mới không khói thuốc.

WHO nêu rõ đây là điều đáng quan ngại và những người trẻ tuổi vẫn cho biết họ thường xuyên sử dụng các sản phẩm này, dễ dàng mua chúng và ít lo ngại việc có thể nghiện.

Chính vì vậy, thu thập dữ liệu của thanh thiếu niên là biện pháp mạnh mẽ nhất để chống lại ngành thuốc lá và đưa ra các chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá.

Cùng chuyên mục

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Siêu bão Man-yi tấn công Philippines "có khả năng gây thảm họa"
Ngày 16/11, siêu bão Man-yi bắt đầu đổ bộ miền Trung Philippines với tốc độ gió tối đa là 195 km/giờ, với đường đi được cảnh báo "có khả năng gây thảm họa" tại quần đảo này. Đây là cơn bão lớn thứ 6 tấn công quốc đảo này trong vòng 1 tháng qua.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...