Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 17/11/2019 02:18 (GMT+7)

Sở Tư pháp Bình Phước: Tăng cường thanh tra hoạt động hành nghề công chứng

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước là một trong những địa phương được Bộ Tư pháp đánh giá cao qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Bộ. Việc xử lý các sai phạm về hoạt động bổ trợ tư pháp được đánh giá là “mạnh tay” nhất cả nước.

Sự thật phơi bày từ văn bản của Ban Dân tộc

Ngày 30/9/2019, Ban Dân tộc - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước ký văn bản số 316/BDT-T.Tr chuyển hồ sơ kiến nghị của công dân đến Sở Tư pháp; Phòng PA 02, PV 05 – Công an tỉnh; UBND huyện Bù Đăng và Công an huyện Bù Đăng.

Văn phòng công chứng Danh Út, Bù Đăng.

Từ trường hợp của ông Điểu Ninh, thường trú tại thôn Bình Thọ, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lấy lại hơn 2,6 ha đất trồng cao su; hủy Hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất (Hợp đồng số 0004695, quyển số 02TP/CC-SCC/HĐGD ký ngày 24/9/2018, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Điểu Ninh, diện tích 26.291 m2 số 919, ký ngày 23/6/2004). Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cũng đề nghị xem xét hành vi của ông Nguyễn Phúc Triện, sinh năm 1977, thường trú tại thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Ông Triện đã lợi dụng việc vợ chồng ông Điểu Ninh không biết chữ, không hiểu biết về các quy định của pháp luật đã lừa dối ông Điểu Ninh thực hiện chuyển từ giao dịch vay vốn ngân hàng sang giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện hoạt động “tín dụng đen”. Tình trạng môi giới cho vay lãi suất cao, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động này xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Chúng dựa vào địa bàn có sự cộng cư của 41 dân tộc anh em, trong đó, 40 dân tộc ít người tại chỗ có nhiều người chưa biết tính toán làm ăn, phát triển kinh tế và chi tiêu trong gia đình. Hành vi cùng với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

Nguyên nhân xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có điều kiện tiếp cận với vốn vay (diện tích đất sử dụng đang nằm trong đất lâm phần, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…), nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản theo quy định của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Để vay được số tiền lớn, một số người tìm đến các đối tượng môi giới, các đối tượng chuyên cho vay lãi suất cao, qua sự giới thiệu của người quen biết ở địa phương hoặc người thân trong gia đình để vay tiền. Các đối tượng chuyên cho vay lãi suất cao đã lợi dụng hoàn cảnh, đời sống khó khăn và tâm lý của đồng bào dân tộc ít người, những người không biết chữ, người lớn tuổi và phụ nữ. Chúng len lỏi vào buôn, sóc dụ dỗ đồng bào vay tiền, không nói rõ lãi suất là bao nhiêu. Những người vay tiền chỉ biết lăn tay, điểm chỉ, một số trường hợp biết ký tên nhưng không hiểu nội dung giấy vay nợ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Sau một thời gian ngắn, chủ nợ thông báo đến người vay tiền về số tiền nợ, gồm gốc lẫn lãi và thời gian phải trả. Lúc này, người vay nợ mới biết khoản nợ quá lớn dẫn đến không có khả năng chi trả. Tiếp theo đó, các đối tượng yêu cầu người vay phải thực hiện giao dịch dân sự hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua Văn phòng công chứng tại địa phương.

Ngày 16/10/2019, theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại văn bản số 316/BDT-T.Tr, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, yêu cầu tăng cường trách nhiệm nghề nghiệp, chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm của người yêu cầu công chứng. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng chủ động rà soát, kiểm tra hoạt động các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.

Mất đất vì hành vi vi phạm của công chứng viên?

Theo sự trình bày của ông Điểu Ninh: Trong năm 2018, do cầu vốn đầu tư trồng cao su, gia đình ông có vay số tiền 500.000.000 đồng tại ngân hàng Sacombank – chi nhánh tỉnh Bình Phước, thời gian vay là 01 (một) năm.

Sáu tháng sau, qua sự giới thiệu của người con gái tên Điểu Thị Cho, ngụ tại thôn 9, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng giới thiệu gặp người có tên Quân, ở cùng địa phương giúp đáo hạn ngân hàng để tăng thêm khoản vay. Khi ông Điểu Ninh đồng ý, ông Quân giao cho ông Nguyễn Phúc Triện thực hiện công việc. Sau khi làm xong thủ tục trả nợ cho ngân hàng, còn dư số tiền 20.000.000 đồng, ông Triện đã giữ luôn cùng với Giấy chứng nhận quyền sử đất mang tên Điểu Ninh.

Ngày 24/9/2018, theo sự sắp xếp của ông Nguyễn Phúc Triện, vợ chồng ông Điểu Ninh đã đến Văn phòng công chứng Danh Út, trụ sở ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng để thực hiện thủ tục ủy quyền cho ông Triện thay mặt làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Tại Văn phòng công chứng Danh Út, do cả hai vợ chồng ông đều không biết chữ và nghĩ chỉ là hợp đồng ủy quyền nên đã ký tên và điểm chỉ vào các văn bản được soạn sẵn nội dung từ trước đó.

Đến ngày 09/10/2018, ông Nguyễn Phúc Triện đưa vợ chồng ông Điểu Ninh đến ngân hàng Eximbank – Chi nhánh tỉnh Bình Phước ký giấy tờ, làm thủ tục nhận số tiền vay là 1.300.000.000 đồng (Một tỷ ba trăm triệu đồng). Sau khi nhận tiền, ông Triện đã không đưa tiền cho vợ chồng ông Điều Ninh, hẹn sẽ giao lại sau khi “tính toán” cụ thể.

Sau đó, ông Nguyễn Phúc Triện tự đặt ra số tiền lãi khủng buộc vợ chồng ông Điểu Ninh phải trả. Khi ông Điểu Ninh không đồng ý trả số tiền lãi vì thực tế không nhận được số tiền 1.300.000.000 đồng (Một tỷ ba trăm triệu đồng), ông Nguyễn Phúc Triện đã gây sức ép, buộc vợ chồng ông Điểu Ninh phải giao lại toàn bộ phần diện tích hơn 2,6 ha đất trồng cây cao su đang thu hoạch mủ.

Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, ông Điều Ninh đã mang toàn bộ hồ sơ lập tại Văn phòng công chứng Danh Út nhờ người đọc lại, giải thích cho mình nghe thì mới biết: Nội dung Hợp đồng số 0004695, quyển số 02TP/CC-SCC/HDGD lập ngày 24/9/2018 tại Văn phòng công chứng Danh Út là chuyển nhượng quyền sử dụng 2,6 ha đất trồng cây cao su mà gia đình ông Điểu Ninh đang trực tiếp canh tác, với giá trị chuyển nhượng là 200.000.000 đồng. Thực tế, gia đình ông Điểu Ninh không có nhu cầu chuyển nhượng diện tích đất nói trên cho người khác với số tiền chuyển nhượng không đủ làm chi phí di dời đi nơi khác sinh sống.

Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, trong đó: “Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng”. Như vậy, đã đủ chứng minh, trách nhiệm của công chứng viên Văn phòng công chứng Danh Út khi công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên đã không đọc, giải thích cho vợ, chồng ông Điểu Ninh. Và hành vi này, đã đủ yếu tối cấu thành tội lừa đảo có tổ chức hay không vẫn đang chờ kết quả từ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Phước.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật công chứng 2014, nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện hành vi: “Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác”.

Chưa hết, ngày 03/10/2019, tại văn bản số 295/STP-GD&BTTP, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước nêu ý kiến: “Liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng Danh Út. Từ ngày 01/8/2019, Sở Tư pháp đã hai lần trả lại hồ sơ vì phát hiện vi phạm Luật Công chứng, có biểu hiện gian dối trong việc xác lập hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”. Điều này đồng nghĩa với việc 700 (bảy trăm) hợp đồng, giao dịch mà Văn phòng công chứng Danh Út tự ý chuyển đi nơi khác, từ ngày 27/7/2019 đến ngày 18/9/2019 (từ số công chứng 3045 đến số 3745) sẽ bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu khi xảy ra tranh chấp, gây hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước.

Kỳ tới: Bình Phước – Hé lộ chân dung “ông trùm” bảo kê hoạt động công chứng.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...