Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 07/04/2020 08:52 (GMT+7)

Thu phí người cách ly: Dấu hiệu 'lạm quyền' chỉ đạo ở một số địa phương?

Hiện nay một số tỉnh như Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Ninh có chủ trương tiến hành thu phí đối với người tỉnh khác về cách ly tại địa phương. Sự việc này đang thu hút sự chú ý của dư luận trong bối cảnh cả nước đang dồn hết sức lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, việc thi phí này đã đúng quy định hay là biểu hiện sự “lạm quyền” của một số địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư Việt Nam Online trân trọng kính mời các chuyên gia pháp lý, độc giả bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về việc này để việc áp dụng chính sách pháp luật đúng quy định. Mọi ý kiến xin gửi về email tòa soạn: [email protected].

Một số địa phương tiến hành thu phí cách ly đối với người về từ Hà Nội, TP. HCM.

Trong những ngày qua, để phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả các tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện rất tốt các biện pháp của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan. Trong đó có biện pháp cách ly toàn xã hội bắt đầu từ ngày 01/4 đến hết ngày 15/4/2020 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát tại các tỉnh/thành và một số điểm được xem là “ổ dịch”

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số tỉnh thành tiến hành thu phí người cách ly tại địa phương.

Hải Phòng

Ngày 03/4, TP. Hải Phòng đã tiến hành cách ly tập trung tất cả người từ các vùng dịch về. Những người cách ly (trường hợp vào Hải Phòng không thuộc quy định tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng) sẽ phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly.
Theo đó, người cách ly ở Hải Phòng tự trả phí gồm: ăn uống, sinh hoạt, nơi nghỉ là 75.000 đồng/ngày/người. 

Về việc người cách ly tự chi trả chi phí, ngày 05/4 ông Nguyễn Đình Chuyến – Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: “Với những trường hợp ‘đặc biệt’ đã được nêu cụ thể trong hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì vẫn có thể ra, vào TP. Hải Phòng bình thường mà không phải cách ly y tế. Chỉ những trường hợp không có lý do chính đáng mà đến từ các địa phương đã bùng phát dịch thì mới phải thực hiện cách ly y tế tập trung, và sẽ phải tự chi trả các chi phí cách ly”.

Về căn cứ thực hiện, ông Chuyến cho biết, từ ngày 01/4, Thủ tướng đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, các địa phương có thể áp dụng thêm các quy định trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để triển khai, thực hiện nghiêm các biện pháp mà Chính phủ, cơ quan chức năng đưa ra để có thể hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

“Những người từ vùng dịch đến Hải Phòng mà không có lý do cấp thiết, không nằm trong các diện đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ ràng là vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố cũng không có căn cứ gì để bỏ tiền hỗ trợ cho việc cách ly y tế tập trung đối với họ”, ông Chuyến nói.

Ngày 7/4, Hải Phòng đã quyết định bỏ yêu cầu người cách ly tự trả phí. Theo công văn hỏa tốc số 2496 ngày 6/4 của UBND TP. Hải Phòng, với những trường hợp cách ly y tế tập trung thuộc diện phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly theo chỉ đạo trước đây của UBND thành phố thì nay điều chỉnh, thành phố sẽ chi trả chi phí phục vụ cách ly tập trung theo quy định (người cách ly không phải trả tiền).

Đà Nẵng

Từ ngày 05/4, Đà Nẵng cũng đã tiến hành cách ly tập trung 14 ngày đối với người trở về từ TP. HCM và Hà Nội. Những trường hợp trở về trong thời gian từ ngày 01/4 đến 04/4 cũng được yêu cầu tiếp tục cách ly đủ 14 ngày tại nơi cư trú.

Ngày 04/4, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị về việc thực hiện thu phí cách ly người đến từ vùng có dịch, tất cả mọi chi phí cách ly bao gồm phí ăn, phí sinh hoạt đều thu theo quy định hiện hành. Tiền ở thu theo chi phí của cơ sở cách ly.

Người cách ly ở Đà Nẵng tự trả phí gồm: ăn uống, sinh hoạt, nơi nghỉ là 120.000 đồng/ngày/người.

Theo ông Lê Trung Chinh – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi sẽ thu phí theo quy định hiện hành, trong đó người chịu cách ly chỉ phải trả tiền ăn hằng ngày của họ”, ông Chính nói.

“Tình huống này mỗi người, mỗi địa phương phải chung tay vào kiểm soát chứ không thể thả nổi hết được. Thủ tướng chỉ thị những trường hợp thật cần thiết mới ra ngoài. Chúng tôi vẫn ‘để ngỏ’ những trường hợp đặc biệt nhưng quan điểm chung là anh từ nơi có nguy cơ cao về đây thì phải được cách ly tập trung để giảm thiểu nguy cơ”, ông Chinh nhận định.

Quảng Ninh

Ngày 06/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản hỏa tốc về việc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng.

Theo đó, tỉnh này sẽ thực hiện cách ly 14 ngày đối với những người đến, đi qua vùng dịch. Đáng chú ý, chi phí cách ly 14 ngày sẽ do người buộc phải cách ly tự chi trả.

Như vậy, người đến Quảng Ninh không nằm trong trường hợp được miễn sẽ phải thực hiện cách ly theo quy định 14 ngày.

Bắc Ninh

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hạn chế lây lan, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành… áp dụng các biện pháp cách ly kể từ ngày 07/4.

Văn bản nêu rõ, việc tiến hành cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú sẽ được áp dụng đối với những người đang cư trú trên địa bàn tỉnh đã đến từ hoặc đi qua các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19.

Riêng cách ly tập trung sẽ áp dụng đối với những người không cư trú tại tỉnh đã đến từ hoặc đi qua các tỉnh, thành phố có dịch. Thời gian cách ly 14 ngày kể từ ngày về hoặc đến tỉnh Bắc Ninh.

Đáng chú ý, người cách ly sẽ phải trả chi phí theo quy định tại Nghị định 101 của Chính phủ, trừ các trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật.

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Ninh, các trường hợp không áp dụng các biện pháp cách ly gồm các trường hợp đã được cách ly y tế tại các tỉnh, thành phố theo quy định, có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Chưa thực hiện đúng với chỉ đạo của Chính phủ

Đánh giá về việc này, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, những việc này của các địa phương là chưa thực hiện đúng với chỉ đạo của Chính phủ. Bởi:

Ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Tại khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết số 37/NQ-CP quy định:

“Tiền ăn của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

a) Đối tượng áp dụng: người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp).

b) Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế”.

Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 37/NQ-CP cũng quy định: “Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày”.

Bạn đọc N. B. (Hà Nội): Theo tôi, việc thu phí cách ly này là hoàn toàn không hợp lý khi mà chi phí cơ sở vật chất khu vực cách ly ở các địa phương đều sử dụng công trình là trường học, trường quân sự… Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người trốn cách ly, khai báo gian dối, chậm khai báo. Hơn nữa, không có sự thống nhất trên cả nước về việc thu phí này, có địa phương thu phí, có địa phương không thu phí?

Cần lưu ý, Nghị quyết 37/NQ-CP không chỉ đề cập đến người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế mà còn đề cập đến cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch, người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ, cán bộ y tế, quân đội, công an và một số đối tượng khác được hưởng chế độ hỗ trợ.

Như vậy, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, những đối tượng được liệt kê trong Nghị quyết 37/NQ-CP đều được áp dụng quy định này. Nghị quyết không có sự phân biệt và cũng không quy định người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế không được hưởng mức hỗ trợ tiền ăn, nước uống… nếu như không phải là người dân sinh sống tại địa bàn mà từ các tỉnh, thành phố khác đến.

Nghị quyết 37/NQ-CP cũng đã liệt kê nguồn kinh phí để thực hiện chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19:

– Ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách các địa phương còn khó khăn chưa cân đối được ngân sách theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

– Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

– Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bạn đọc L. H. (Hà Nội): Tại sao người nước ngoài cách ly ở Việt Nam được miễn phí, tại sao người Việt Nam về các địa phương lại đóng phí. Trong khi công trình sử dụng cách ly và một số nhu yếu phẩm cung cấp sử dụng ngân sách lại bắt người cách ly đóng phí.

Theo Luật sư Từ, quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP đã rất rõ ràng, cụ thể về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác. Do đó, một số tỉnh/thành tiến hành thu phí đối với người tỉnh khác về, tuy nhiên mức phí các tỉnh không đồng đều là chưa chưa thực hiện đúng Nghị quyết 37 NQ-CP của Chính phủ. Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật phải được thống nhất trên địa bàn cả nước. Không nên để tình trạng mỗi nơi hiểu quy định pháp luật theo mỗi hướng khác nhau.

Đánh giá về ảnh hưởng của việc thu phí cách ly đối với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Luật sư Hà Huy Từ nhận định sẽ dẫn đến một số hệ lụy có thể gặp phải như: tình trạng trốn cách  ly, khai báo gian dối, chậm khai báo… Vì đối với người nghèo, việc thu phí đối với họ là cả vấn đề khi không có việc làm nhưng vẫn phải mất phí. Người bị thu phí có thể khiếu nại, tố cáo hoặc có những hành động làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng không tốt trong nỗ lực chung mà Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân đang đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19.

Bạn đọc P. D. (Hà Nội): Vì dịch bệnh đã phải ngừng việc, không có thu nhập nên muốn về quê hay đi công việc mà bị cách ly đóng phí thì liệu người dân có chấp nhận không? Số tiền thu được là bao nhiêu nếu để người dân hiểu lầm chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch là một điều tai hại, phải xem xét lại.

Hơn nữa, việc hạch toán kinh tế đối với khoản thu phí này dựa trên quy định nào của pháp luật cũng là một vấn đề cần đưa ra câu hỏi và cần lời giải đáp từ các tỉnh có chủ trương thu phí.

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một số địa phương không được “ngăn sông cấm chợ” trong phòng, chống dịch Covid-19. Thiết nghĩ, Thủ tướng Chính phủ cũng nên tiếp tục yêu cầu các tỉnh, thành không được hiểu sai về quy định pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng những chế độ tốt nhất mà Chính phủ đã ban hành. 

Bạn đọc P. L. (Hà Nội): Tôi là lao động tự do, do dịch nên nghỉ từ Hà Nội về quê ở Quảng Ninh để đỡ mất tiền thuê nhà trong mấy tháng nghỉ việc. Nếu quy định thu phí như thế này sẽ gây khó khăn rất lớn đối với tôi khi mà cách ly không có việc làm, không thể kiếm thêm thu nhập, mà lại thêm một khoản phí nữa.

Chưa đúng với quy định…

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng căn cứ vào quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP thì tất cả người bị cách ly y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh hoặc cơ sở khác đều được hưởng chế độ này, không loại trừ những trường hợp bị cách ly do vi phạm như các lãnh đạo địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Ninh lý giải.

“Những ngày gần đây báo chí có đưa tin các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Ninh quy định về việc thu phí cách ly tập trung đối với những người trở về từ Hà Nội và TP. HCM, tôi nhận thấy quy định này chưa đúng. Việc các lãnh đạo, các đia phương đó lý giải cho rằng là do những người bị cách ly trong trường hợp này vi phạm Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, vi phạm Chỉ thị 16 của chính phủ nên phải thu phí là chưa đúng với quy định trên. Mặt khác, nếu cho rằng họ vi phạm thì cơ quan chức năng có quyền xử lý theo quy định chứ không thể cho rằng họ vi phạm nên phải đóng phí cách ly vì đây là 2 vấn đề khác nhau”, Luật sư Bình nói.

Luật sư Bình cho rằng: “Nghị quyết 37 chỉ quy định về một số chế độ hỗ trợ đặc thù trong phòng chống dịch Covid 19, còn quy định về việc xử phạt VPHC hoặc xử TNHS thuộc lĩnh vực khác”.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...