Tiền Giang: Sự đổi thay ở một vùng biển…
Từ khi Dự án nâng cấp đê biển Gò Công hoàn thành và đưa vào sử dụng, bảo vệ an toàn cho sản xuất, tính mạng của hàng chục nghìn hộ dân phía Đông của tỉnh Tiền Giang, đã khiến vùng biển Gò Công đổi thay một cách “kỳ diệu”.
Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, đê biển Gò Công đã đón nhận hàng triệu lượt khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ ngơi,… Hầu như ai cũng thể hiện sự hân hoan, phấn khởi trên từng khuôn mặt.
Dù chật kín người và xe trong những ngày Tết Nguyên đán, các điểm phục vụ du khách luôn nở nụ cười thân thiện, hướng dẫn khách tận tình và không có tình trạng “chặt chém” khách du lịch xảy ra như thường thấy tại một số điểm du lịch đông khách ở nước ta.
Thu hút sự chú ý của du khách nhiều nhất chính là đê biển Gò Công, đoạn từ khu du lịch biển Tân Thành đến cầu Rạch Bùn, người dân được thoải mái ngắm biển, tắm biển và cào bắt nghêu ngay trên biển (vào thời điểm nước biển rút đi).
Nhiều nơi còn phục vụ khách du lịch cào bắt nghêu tại chỗ, bố trí ghế ngồi, mái che,… để du khách tha hồ thưởng thức các món ăn hải sản như: sò huyết, nghêu, hàu, cua biển, tôm tít,… và ngắm biển. Dọc hai bên đê biển Gò Công có rất nhiều điểm bán hải sản, giá rẻ so với ngoài chợ, nghêu chỉ có 100 ngàn đồng/3kg, có nơi chỉ có 30 ngàn đồng/kg,…
Có thể thấy rõ, sự đổi thay ở một vùng biển Gò Công, cảnh quan nhìn ra biển không hề kém cạnh các điểm du lịch biển nổi tiếng là: Nha Trang, Vũng Tàu,… và nhìn trước mặt là sẽ thấy ngay huyện Cần Giờ (TP.HCM). Theo sự hướng dẫn của nhiều tài xế chuyên chở khách du lịch, nếu đi theo hướng Quốc lộ 50 đến huyện Cần Đước đi phà sang chỉ mất 45 phút là đến huyện Cần Giờ, phà loại lớn chuyên chở xe tải, xe khách,…
Theo một cán bộ lãnh đạo ở huyện Gò Công Đông thì: “Đê biển Gò Công hiện nay có khả năng chống chịu bão cấp 8-9, ngăn triều cường từ biển bảo vệ an toàn hàng chục nghìn ha đất sản xuất và an toàn tính mạng cho hàng chục nghìn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang…”.