Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 12/11/2020 04:34 (GMT+7)

Tìm cách khắc phục ô nhiễm tại KCN lớn nhất tỉnh Sóc Trăng

Thời gian qua, cuộc sống của người dân gần KCN An Nghiệp (Sóc Trăng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm từ KCN này gây nên. Đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?

Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp tính đến nay là KCN đầu tiên và lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, rộng 243 ha, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cơ sở hạ tầng của KCN rất khang trang và đã thu hút được 59 dự án, với tổng vốn đăng ký là 5.807,25 tỷ đồng. Hiện trong KCN này có 6 nhà máy chế biến thủy sản.

Tuy nhiên, gần một tháng qua, cuộc sống của người dân gần KCN An Nghiệp (Xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bị xáo trộn và ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối do nước thải từ KCN này chảy ra các tuyến kênh.

Theo chia sẻ của các hộ dân sống gần khu vực quanh KCN An Nghiệp, cứ cách vài ngày, KCN này lại xả nước một lần, mỗi lần xả, cuộc sống của người dân lại bị xáo trộn. Tình trạng ô nhiễm diễn ra thường xuyên, nhất là lúc kênh cạn, nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh. Lúc trước, người dân còn sử dụng nước kênh để sinh hoạt, còn bây giờ không ai dám. Người dân đã báo lên chính quyền nhưng không có sự thay đổi.

Kênh 30-4, đoạn gần KCN An Nghiệp nước đen ngòm (Ảnh: Tuổi trẻ).

Các cơ quan chức năng Sóc Trăng vẫn đang tìm cách khắc phục ô nhiễm. (Ảnh: )

Tìm hiểu nguyên nhân, được biết, từ tháng 7/2020 đến nay, lượng xả thải của 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN An Nghiệp tăng cao, doanh nghiệp có mức xả thải tăng ít nhất là 36% và cao nhất là gần 100%. Do đó, lượng nước thải tiếp nhận về nhà máy xử lý nước thải tập trung tăng lên đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, công suất của nhà máy xử lý nước thải tập trung trong Khu Công nghiệp An Nghiệp là 10.000m3/ngày. Tuy nhiên, lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp về nhà máy xử lý hiện lên đến gần 12.000m3/ngày, vượt công suất thiết kế nên có những thời điểm, nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn, ảnh hưởng đến một số tuyến kênh nội đồng giáp Khu Công nghiệp.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đã không báo cáo Ban Quản lý (BQL) và đơn vị xử lý nước thải toàn KCN là Công ty TNHH Dịch vụ môi trường (DVMT) An Nghiệp khiến nước thải không được xử lý kịp thời. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH DVMT An Nghiệp với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty nhanh chóng khắc phục xử lý lượng nước thải phát sinh, đầu tư nâng công suất xử lý nước thải từ 10 nghìn m3 lên 20 nghìn m3/ngày, đêm để đáp ứng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Công ty đã điều tiết vận hành, bảo đảm xử lý lượng nước thải và đưa vào vận hành bể xử lý thêm 2.000 m3/ngày, đêm. Đến đầu tháng 10-2020, việc thu gom và xử lý nước thải cơ bản đã đáp ứng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp trước mắt, chỉ phù hợp thời điểm hiện nay khi các công ty chế biến đã giảm công suất do hết đơn hàng gia công. Tình trạng ô nhiễm vẫn có nguy cơ tái diễn khi hoạt động sản xuất tăng cao, nhất là vào dịp cuối năm. Giám đốc BQL các KCN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Trong nhận định, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 cho nên nhiều nước sẽ nhập khẩu các mặt hàng chế biến thủy hải sản từ Việt Nam, tác động đến các đơn hàng của các doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang xin vào KCN này, cho nên cần có hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất.

Để nâng công suất nhà máy xử lý nước thải, Công ty TNHH DVMT An Nghiệp cần sớm được cơ quan chức năng giải quyết cho thuê 2,1 ha đất trong KCN An Nghiệp như đề nghị của doanh nghiệp để mở rộng nhà máy, nâng công suất xử lý lên 20 nghìn m3/ngày, đêm, đồng thời BQL Khu công nghiệp An Nghiệp được tiếp nhận quản lý tuyến kênh nội đồng Thẻ 25 để thoát nước của KCN và tưới tiêu dọc tuyến kênh này. Ngoài ra, cần có phương án xử lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Giám đốc Công ty TNHH DVMT An Nghiệp Hà Thế Vũ cho biết, lượng bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải khoảng từ 25 đến 30 tấn/ngày. Trước đây, bùn được chuyển cho một nhà máy sản xuất phân bón, nhưng hiện nay đơn vị này không tiếp nhận, công ty phải tự chôn lấp. Quá trình vận hành nhà máy xử lý nước thải đã lưu lại lượng lớn bùn thải. Vì vậy, công ty đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép gia hạn thời gian chôn lấp lượng bùn thải và có hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý bùn thải.

Chính quyền tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm vào cuộc để hỗ trợ giải quyết ô nhiễm ở KCN lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng; đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và môi sinh cho người dân địa phương./.

Cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết hôm nay (19/11): Đêm nay Bắc bộ chuyển rét
Dự báo thời tiết hôm nay (19/11): Bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông bắc bộ và bắc trung bộ, một số nơi ở phía tây bắc bộ và trung trung bộ.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...