Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 24/10/2023 06:37 (GMT+7)

TP Hồ Chí Minh: 18 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nhiễm HIV

Hiện có 20 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, có 18 trường hợp chẩn đoán B20 (bệnh do virus gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người - HIV/AIDS).

Ngày 23/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có 20 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, có 18 trường hợp chẩn đoán B20 (bệnh do virus gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người - HIV/AIDS), trong đó có 17 nam và 1 nữ.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính; áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da…

Chú thích ảnh
Các ca bệnh đậu mùa khỉ đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 34 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng bởi có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường…).

Theo Sở Y tế TP.HCM, trường hợp được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ khi có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…). Và có một trong nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; mệt mỏi.

Và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với người bệnh được xác định hoặc người bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có quan hệ với nhiều bạn tình.

Sở Y tế khuyến cáo những trường hợp có dấu hiệu và yếu tố dịch tễ như trên cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh bạch hầu
Chiều 8/7, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.
Nghệ An thông tin về trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An) thông tin, trường hợp bệnh nhân trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn tử vong do bệnh Bạch hầu, xác định có 199 người tiếp xúc, điều tra dịch tễ đây là ổ bạch hầu ngày thứ 10 và 1 người đã tử vong.

Tin mới