Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 27/07/2022 15:00 (GMT+7)

TP.HCM: Ghi nhận 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ​

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 27/7, trên địa bàn ghi nhận 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 13 ca so với năm 2021.

Cụ thể, số ca tử vong do sốt xuất huyết nhiều nhất là huyện Củ Chi với 4 trường hợp; quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đều có 2 trường hợp; các quận 11, 12, Gò Vấp, 8, 7, 6, huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức mỗi địa phương 1 trường hợp. Cùng với số ca tử vong, tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM cũng tăng nhanh. Đến ngày 27/7, số ca mắc tích lũy trên địa bàn Thành phố là 32.011 ca, tăng 293% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. (Ảnh minh hoạ)
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. (Ảnh minh hoạ).

Sở Y tế Thành phố nhận định, năm 2022 số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016 - 2020). Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay. Trong đó số ca nặng là 502 ca, chiếm 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Số ổ dịch tích lũy là 1.888 ổ. Từ tuần 21 đến nay, số ổ dịch phát sinh tại Thành phố là trên 100 ổ dịch/tuần.

Các quận, huyện có nhiều ổ dịch là Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú. Trong năm 2022 có 6 quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất Thành phố (Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú). Đặc biệt Cần Giờ có số ca tuyệt đối ít nhất Thành phố nhưng tính trên 100.000 dân rất cao, đứng thứ 7/22 quận, huyện.

Để chủ động trong công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố theo 3 kịch bản: dưới 2.000 ca, từ 2.000 đến 4.000 ca và từ 4.000-6.000 ca đang điều trị tại bệnh viện nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Căn cứ kịch bản này, Thành phố đang ở tình huống 2 (mỗi ngày có từ 2.000-4.000 ca mắc và từ 300 - 600 ca sốt xuất huyết nhập viện). Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền…để tiếp nhận, điều trị người bệnh./.

Cùng chuyên mục

Ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh lớn sau thiên tai
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11 tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan về nhóm vấn đề lĩnh vực y tế, trong đó có việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.
Bộ Y tế ban hành danh mục 78 dược chất, thuốc chứa dược chất bị cấm sử dụng
Bộ Y tế mới đây đã ban hành Thông tư số 27/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Thông tư số 27/2024/TT-BYT này có hiệu lực từ 30/01/2025.

Tin mới

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2024
Quy định mới về hình thức giám sát của nhân dân với Cảnh sát giao thông; Quy định mới về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng; Điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập từ ngày 20/11/2024;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2024.