Trung Quốc: Sóng nhiệt ở Bắc Kinh chạm ngưỡng kỷ lục
Bắc Kinh và một số vùng phía Bắc Trung Quốc đang trải qua những ngày nhiệt độ cao kỷ lục, chính quyền kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài trời.
Đài thiên văn Nanjiao ở phía Nam Bắc Kinh hôm 24/6 lần đầu tiên ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C (104 độ F) trong ngày thứ 3 liên tiếp, theo Cục Khí tượng Trung Quốc.
Tính đến ngày 24/6, thành phố gần 22 triệu dân đã có 3 ngày liên tiếp đạt nhiệt độ trên 40 độ C – một hiện tượng chưa từng ghi nhận kể từ khi thành lập trạm quan trắc phía Nam vào năm 1951.
Ngoài Bắc Kinh, một số khu vực lân cận như Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Nội Mông và Thiên Tân đã nâng lên hoặc giữ cảnh báo thời tiết nắng nóng ở mức "đỏ", mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo bốn cấp của Trung Quốc. Cảnh báo đỏ biểu thị nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C trong vòng 24 giờ.
Ở tỉnh Hà Bắc lân cận và thành phố cảng Thiên Tân, nhiệt độ cũng tăng vọt trên 40 độ C trong vài ngày qua, khiến chính quyền phải đưa ra cảnh báo “đỏ” về thời tiết khắc nghiệt.
Bắc Kinh đã trải qua ngày nóng kỷ lục vào tuần trước khi nhiệt độ tăng vọt lên 41,1 C (106 F). Đây cũng là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại thủ đô Trung Quốc trong tháng 6.
Trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp của Trung Quốc, màu đỏ biểu thị các điều kiện khắc nghiệt nhất, những điều kiện có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn.
Các đợt nắng nóng do các khối không khí ấm kết hợp với áp suất cao trong khí quyển gây ra. Theo các nhà khí tượng học Trung Quốc, hiệu ứng này được khuếch đại bởi lớp mây mỏng và thời gian ban ngày dài hơn vào ngày hạ chí.
Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Các hồ chứa cạn kiệt khiến các nhà máy thủy điện, vốn là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của khu vực, tê liệt, gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và công nghiệp.
Các quốc gia khác ở châu Á đã trải qua những đợt nắng nóng chết người trong những tuần gần đây, mà các nhà khoa học cho rằng đang trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, một phần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.