Trường hợp có thể phải thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất công
Tại dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính đề xuất quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường.
Dự thảo nêu rõ về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Theo đó, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tập hợp các đề xuất về hình thức, xử lý nhà, đất để trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Để đảm bảo tính minh bạch của phương án sắp xếp thì đối với mỗi phương án xử lý của từng cơ sở nhà, đất phải xác định cụ thể trường hợp áp dụng theo quy định tại dự thảo Nghị định.
Đồng thời, dự thảo quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện sắp xếp:
(i) Trường hợp cả nhà và đất đều thuộc phạm vi sắp xếp thì phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý đồng thời cả nhà và đất;
(ii) Trường hợp một cơ sở nhà, đất áp dụng nhiều hình thức xử lý thì phải phân định cụ thể diện tích đất, diện tích nhà theo từng hình thức xử lý;
(iii) Trường hợp đất hoặc nhà thuộc phạm vi sắp xếp lại thì chỉ sắp xếp lại, xử lý đối với đất hoặc nhà;
(iv) Trường hợp một cơ sở nhà, đất nhưng có một phần diện tích nhà, đất hoặc một phần diện tích đất hoặc một phần diện tích nhà thuộc phạm vi sắp xếp thì chỉ sắp xếp lại, xử lý đối với phần diện tích thuộc phạm vi đó;
(v) Trường hợp nhà, đất do đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý, sử dụng thì khi xử lý theo các hình thức (phương án) ngoài hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng phải có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền loại nhà, đất đó ra khỏi biên chế tài sản trước khi phê duyệt phương án;
(vi) Tài sản khác (không gắn liền với đất) mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không có nhu cầu sử dụng, trường hợp xử lý theo hình thức điều chuyển, chuyển giao thì thực hiện sắp xếp lại, xử lý đồng thời với tài sản là nhà, đất.
Ngoàira, về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất: Dự thảo Nghị định bổ sung thêm quy định:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm có văn bản đề nghị gia hạn thời hạn thanh toán hoặc có văn bản xác nhận không phát sinh chi phí. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chậm gửi hồ sơ, văn bản và tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản.
Định kỳ 06 tháng (trước ngày 30/6 và 31/12 hàng năm), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại vào ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách để sử dụng: Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và ưu tiên bố trí trong dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan để chi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ngoài việc được sử dụng để chi cho các nội dung chi nêu trên còn được ưu tiên để chi cho các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đặc biệt quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.