Trường hợp không được mở tài khoản thanh toán online
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó quy định rõ các trường hợp không được mở tài khoản thanh toán online.
Cụ thể, khoản 3 Điều 16 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, việc mở tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử không áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Tài khoản thanh toán chung.
- Tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ.
- Khách hàng cá nhân theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 11 Thông tư này, khách hàng cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể:
(i) Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
(ii) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
(iii) Khách hàng cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Bên cạnh đó, các hình thức của tài khoản thanh toán bao gồm: Tài khoản thanh toán của cá nhân; tài khoản thanh toán của tổ chức; tài khoản thanh toán chung. Cụ thể:
- Tài khoản thanh toán của cá nhân là tài khoản thanh toán do khách hàng là cá nhân mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Tài khoản thanh toán của tổ chức là tài khoản thanh toán do khách hàng là tổ chức mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản thanh toán.
- Tài khoản thanh toán chung là tài khoản thanh toán có ít nhất hai chủ thể trở lên cùng đứng tên mở tài khoản. Chủ tài khoản thanh toán chung là tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định và niêm yết công khai phù hợp với quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Việc trả lãi đối với số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau: 1. Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản; 2. Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 3. Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; 4. Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung. |