Ứng dụng KHCN gắn với hiệu quả dịch vụ: 'Chìa khoá' nâng cao chất lượng dịch vụ
Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ, ngành KHCN Quảng Ninh cũng đang triển khai nhiều nhiệm vụ để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN vào đời sống, sản xuất kinh doanh cũng như quản lý nhà nước.
Hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, quản lý được các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh triển khai mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đem lại nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Những bước tiến mới
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng là được sử dụng sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, nhiều khu vực trồng rau, hoa quả an toàn đã ra đời. Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) của Công ty TNHH VinEco - một dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh về nông nghiệp, đang ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao và áp dụng quy trình VietGAP, quy trình sản xuất tự động hoàn toàn từ tưới nước, bón phân đến thu hoạch sản phẩm. Với 19 nhà sản xuất rau theo công nghệ hiện đại của Việt Nam và Isarel, các sản phẩm rau, củ trồng tại đây đạt hiệu quả cao và chất lượng theo tiêu chuẩn.
Đại diện của VinEco cho biết: Công ty hiện đang tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các quy trình, công nghệ canh tác tiên tiến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và sản lượng các sản phẩm nông nghiệp hiện có. Mục tiêu của đơn vị là mang sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng, do vậy thời gian tới, Công ty sẽ bổ sung thêm nhóm sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Không chỉ trong nông nghiệp, ở nhiều lĩnh vực khác cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng KHCN, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ. Trong lĩnh vực y tế, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh cấp tỉnh đã tiếp nhận thành công kỹ thuật tiên tiến từ các bệnh viện tuyến Trung ương giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Nhờ áp dụng tiến bộ KHCN vào công tác khám, chữa bệnh, trong 2 năm qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm cho gần 500 ca với tỷ lệ đậu thai trên 40%; Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị thành công cho hơn 50 ca tim hở; Bệnh viện Bãi Cháy ứng dụng thành công và đưa công nghệ điều trị chấn thương sọ não nặng trở thành kỹ thuật thường quy, mỗi năm mổ thành công cho hơn 20 bệnh nhân. Các trung tâm y tế tuyến huyện đã được chuyển giao và thực hiện thành công nhiều phương pháp, kỹ thuật cao như: Mổ nội soi, chạy thận nhân tạo, chụp cắt lớp trong chẩn đoán bệnh, thở máy, giảm đau sau mổ..., tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Trong cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước cũng tích cực ứng dụng CNTT trong giải quyết hồ sơ, văn bản với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Ngành Thuế hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong công tác kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử một cách bảo mật và an toàn. Ngành Bảo hiểm xã hội xây dựng hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử góp phần giảm 1/3 lần và 50% số giờ thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Ngành Hải quan triển khai thủ tục hải quan điện tử “Mọi lúc - mọi nơi - mọi phương tiện”, người khai thực hiện khai báo trên các thiết bị di động hỗ trợ, 100% các khoản phí, lệ phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu được thực hiện thanh toán bằng điện tử trên Cổng thông tin điện tử quốc gia. Hiệu quả của việc ứng dụng CNTT và xây dựng Chính quyền điện tử đã góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh dẫn đầu cả nước...
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực
Cụ thể hóa chủ đề công tác năm về nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, năm 2019, hoạt động KHCN trong tỉnh tiếp tục ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực: Du lịch, y tế, nông nghiệp, quản lý nhà nước... Trong đó, tập trung duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm; hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh, loại hình dịch vụ có thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng thành công các hệ thống quản lý; công cụ quản lý chất lượng tiên tiến. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp xây dựng và giữ vững thương hiệu, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh để phát triển bền vững một số mặt hàng chủ lực, lợi thế của tỉnh như: Chả mực Hạ Long, Miến dong Bình Liêu, Gà Tiên Yên...
Các đơn vị cũng tiếp tục tập trung đầu tư ứng dụng CNTT trong quảng bá, phục vụ du khách tiếp cận thông tin về điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn…; đẩy mạnh ứng dụng KHCN để cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Bùi Quang Minh, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tập trung huy động các nguồn lực KHCN để hỗ trợ sáng tạo dịch vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phát triển kinh tế biển mà trọng tâm là nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, Sở ưu tiên thực hiện các chương trình, đề tài ứng dụng gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, các sản phẩm lợi thế của địa phương.