Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 19/04/2020 14:03 (GMT+7)

Vụ Đường ‘nhuệ’: Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ ai là người ‘bảo kê’ và xử lý nghiêm

Liên quan đến vụ Đường ‘nhuệ’ bị điều tra, khởi tố với hàng loạt hành vi vi phạm được dư luận quan tâm gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để băng nhóm Đường “Nhuệ” lộng hành với những hoạt động phạm pháp từ cho vạy nặng lãi, bảo kê, thâu tóm đất vàng trong hàng chục năm qua, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Làm rõ ai là người “bảo kê” cho Đường ‘nhuệ’.

Phải làm rõ “Đường Nhuệ” có được “bảo kê” hay không?

Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vụ án Đường “Nhuệ” có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen” núp bóng dưới dạng doanh nghiệp.

“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự coi thường pháp luật. Người dân đã đến trụ sở công an rồi mà băng nhóm này vẫn vào đấy để đánh người được thì câu hỏi lớn được đặt ra là cơ quan công an và cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu?”, ông Tiến đặt câu hỏi.

Theo ông Lê Như Tiến, chắc hẳn phải có lực lượng nào đứng đằng sau bảo kê thì Đường “Nhuệ” mới dám ngông cuồng, coi thường luật pháp đến như vậy. “Vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và ai là người bảo kê cho Đường “Nhuệ”. Chỉ có làm rõ ràng như vậy thì mới lấy lại lòng tin của nhân dân”, ông Tiến cho hay.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cũng cho rằng, những hoạt động phạm tội theo kiểu xã hội đen cần phải loại bỏ, nếu không làm nghiêm túc thì rất dễ đánh mất lòng tin của nhân dân.

“Hoạt động theo kiểu xã hội đen kéo dài nhiều năm như vậy thì không thể chấp nhận được. Điều này khiến người dân nơm nớp lo sợ, đến mức không ai dám tố cáo. Dù sự việc ở tỉnh Thái Bình, nhưng nhân dân cả nước và cử tri ở các địa phương rất mong rằng những việc làm của Đường “Nhuệ” và những người liên quan sẽ được điều tra, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm như lời của vị Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình”, bà An nói.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng đề nghị công khai danh tính, điều tra những cơ quan, tổ chức cá nhân bảo kê cho Đường “Nhuệ” (nếu có). “Những người đứng đầu ở Thái Bình phải có trách nhiệm trong việc điều tra xử lý những sai phạm của Đường “Nhuệ”. Nếu những tố cáo của người dân về Đường “Nhuệ” là đúng thì trách nhiệm để xảy ra sự việc như vậy thuộc về người đứng đầu của tỉnh Thái Bình”, bà An nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị trong vụ việc này phải làm rõ 3 vấn đề: Ai bảo kê? Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành? Trách nhiệm của cơ quan dân cử từ Hội đồng nhân dân tới đại biểu Quốc hội trong việc để vụ việc diễn ra trong một thời gian rất dài trên địa bàn.

“Tại sao một băng nhóm xã hội đen lộng hành, làm đủ việc tày trời như thế trong suốt 10 năm mà chính quyền địa phương không biết? Thái Bình đâu phải là một địa phương ở vùng xa xôi hẻo lánh, xa trung ương hay một tỉnh lạc hậu? Đó là điều khiến tôi rất buồn!”, ông Hùng nói.

“Chỉ cần một vài vụ việc, chính quyền địa phương đã phải phát hiện chứ đừng nói là phải mất tới 10 năm. Thế thì có phải chính quyền địa phương không biết gì hay không? Hay đã tê liệt? Tôi cho rằng không phải như vậy. Dứt khoát đằng sau đó là cái gì thì mới có thể kéo dài như thế”, ông Hùng nói.

“Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc”

Theo Ông Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trong vụ án Đường “Nhuệ” này, song song với việc điều tra truy vết tội phạm thì cũng cần xác định trách nhiệm của chính quyền liên quan trong sự việc này với sự tồn tại của băng nhóm này trong những năm qua.

“Chính quyền ở đây không thể đứng ngoài cuộc được. Sứ mệnh của chính quyền là bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phải làm rõ xem những ai có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê, chống lưng cho tội phạm hay dấu hiệu doanh nghiệp sân sau ở đây không” – ông Vân nói và nhấn mạnh phải xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, nếu không làm trong sạch bộ máy thì sẽ không đủ sức trấn áp tội phạm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phân tích trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về UBND, cơ quan chuyên môn trong việc để doanh nghiệp của vợ chồng Đường “Nhuệ” hoạt động theo kiểu xã hội đen, thâu tóm những lô đất vàng với giá thấp rồi bán lại với giá rất cao.

“Phải chăng có lợi ích nhóm, có sự bao che, chống lưng để băng nhóm này thâu tóm đất vàng trên địa phương?”, ông Hòa nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật, để cho băng nhóm này có các hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, thậm chí đánh người ngay tại trụ sở công an, thuộc về trách nhiệm của cơ quan công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Đáng nói, ông Hòa cho rằng, theo phản ánh của nhiều người dân và báo chí thì rất nhiều người đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm vợ chồng Đường “Nhuệ”, nhưng cơ quan chức năng lại “ngó lơ”, “bỏ qua”, vì cho rằng không đủ chứng cứ để xử lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

“Băng nhóm của vợ chồng Đường Nhuệ thực hiện hành vi sai phạm kéo dài như thế mà tại sao cơ quan chức năng lại bỏ qua, tới giờ này vẫn còn tồn tại? Cơ quan chức năng của Thái Bình phải vào cuộc quyết liệt, không bỏ qua bất cứ lĩnh vực nào”, ông Hòa kiến nghị.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cũng đề nghị các cơ quan Trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cần tổ chức kiểm tra, đánh giá vụ việc tại Thái Bình, đồng thời yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...