Vụ tai nạn giao thông ở Cái Nước, Cà Mau: Lời khai mâu thuẫn hiện trường
Trong các phiên tòa xét xử Vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, chính vì tiền hậu bất nhất trong lời khai đã dẫn tới vụ án bị kéo dài, đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Liên quan đến vụ việc này, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND huyện Cái Nước đã tập trung thẩm vấn làm rõ nhiều mâu thuẫn trong lời khai của nguyên đơn dân sự Dương Văn Công, không phù hợp với thực tế hiện trường vụ án theo tinh thần cải cách tư pháp.
Đề nghị xử lý hành vi vu khống
Căn cứ kết quả việc xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Cái Nước, đã trả hồ sơ vụ án tai nạn giao thông (TNGT) cho Viện KSND huyện Cái Nước, điều tra những vấn đề sau:
1. Hồ sơ thể hiện các biên bản kiểm tra, thu lượm dấu vết trên phương tiện, biên bản lấy mẫu vật, biên bản niêm phong mẫu vật...có sửa chữa ngày, giờ dẫn đến biên bản thiếu tính khách quan, cần có xác nhận làm rõ ngày, giờ trên các biên bản. Biên bản phân tích lỗi ngày 2/9/2016, sơ sài, không có số, không có xác nhận của người có thẩm quyền.
2. Kết luận Biên bản phân tích lỗi cho rằng Trần Văn Khang, điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 69C-012.20, đi không đúng phần đường quy định, vi phạm Khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ năm 2008 nhưng trong hồ sơ, các biên bản không thể hiện Trần Văn Khang, lấn sang phần đường là bao nhiêu mét, vị trí nào, ai chứng kiến việc Khang lấn đường mà kết luận, là chưa đủ cơ sở, cần điều tra để làm rõ.
3. Tại bản kết luận giám định pháp y, kết luận “bánh xe bên phải” nhưng không chú thích bánh xe bên phải nhìn từ hướng nào, từ trước ra sau hay từ sau ra trước. Bánh xe bên phải là bánh xe trước hay bánh xe sau để có cách hiểu thống nhất, để làm cơ sở giải quyết toàn diện vụ án. Kết luận giám định “cho phép nhận định” chứ không kết luận, không khẳng định nên không thể xem là căn cứ chính xác để giải quyết vụ án, cần giám định lại để có kết luận chính xác hơn. Mặt khác, biên bản khám nghiện hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản kiểm tra, thu lượm dấu vết trên phương tiện, biên bản lấy mẫu vật có ghi “bánh xe bên phải”. Do đó, yêu cầu cơ quan giám định và cơ quan điều tra chú thích là bên phải nhìn từ hướng nào, bánh trước hay bánh sau cho thống nhất, đảm bảo cho việc xét xử vụ án đúng pháp luật.
4. Sơ đồ hiện trường vụ TNGT thể hiện các vết cày đến vị trí xe máy của anh Dương Văn Công điều khiển khoảng 30m, vị trí nạn nhân Lâm Thị Hậu quay đầu vào lề cỏ, chân hướng ra lộ và có ghi chú nạn nhân đã bị di dời. Do đó, sơ đồ hiện trường không xác định các vết cày là của phương tiện nào gây ra, không xác định vị trí xe anh Công té ngã, vị trí bà Hậu ngã và bị nạn, là thiếu sót, cần điều tra làm rõ. Anh Công là người có mặt tại hiện trường khai nhận không di chuyển vị trí của nạn nhân. Điều này mâu thuẫn với lời khai của những người làm chứng khác, không phù hợp với việc ô tô chạy xuống sát lề cỏ dưới mé sông cán lên nạn nhân Lâm Thị Hậu, cần điều tra làm rõ.
5. Việc lập sơ đồ hiện trường lúc 15 giờ, lập trước biên bản vụ TNGT của Công an xã Trần Thới (lúc 15 giờ 30 phút) là chưa phù hợp, do trong vụ TNGT này, Công an xã Trần Thới có mặt trước và lập biên bản vụ TNGT. Do đó, cần điều tra xác định thời gian cho phù hợp với diễn biến thực tế, đảm bảo tính khách quan của chứng cứ.
6. Việc bị cáo Khang, anh Giới, anh Toàn, anh Thuận đều bị thu giữ toàn bộ điện thoại di động và khoảng 3 tháng sau mới được trả lại nhưng hồ sơ không thể hiện việc lập biên bản thu giữ đồ vật theo quy định...
Đó là những nội dung quan trọng của vụ TNGT mà HĐXX đề nghị điều tra làm rõ để xác định đúng bản chất vụ TNGT, không bỏ lọt người, lọt tội, tránh làm oan sai cho người vô tội và rất cần thay đổi tư duy trong xử lý TNGT là: xe lớn gây ra tai nạn cho xe nhỏ (lỗi thuộc về xe 4 bánh chứ không phải xe 2 bánh).
Đáng chú ý là tại các phiên tòa, luật sư đã chứng minh, bác bỏ lời khai và Đơn của ông Công gửi Công an huyện Cái Nước, có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với hiện trường vụ TNGT, chi tiết nào bất lợi thì ông Công khai không nhớ, không biết. Theo đó, ông Công điều khiển xe gắn máy chở mẹ ruột ở phía sau, do thắng gấp, tự té xuống đường, xe gắn máy bị hư hỏng, thân thể bị xây xát nhưng lại yêu cầu người khác phải bồi thường; ông Công khai xe tải va chạm xe gắn máy nhưng thực tế không xảy ra va chạm, ông Công bị té ngất xỉu nhưng vẫn nhìn rõ biển số xe cách đó 20m... thì thật là vô lý.
Trong các phiên tòa, bị cáo Khang đề nghị xử lý hành vi khai báo không đúng sự thật, vu khống, gây hậu quả nghiêm trọng của nguyên đơn dân sự Dương Văn Công và minh oan cho bị cáo. Dư luận người dân đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, không chấp nhận lời khai của nguyên đơn dân sự, tuyên bị cáo Trần Văn Khang không phạm tội, để kết thúc vụ án.