Vùng núi Trung Quốc xuất hiện tiếng gầm lớn kỳ dị suốt 10 ngày liền khiến MXH hoang mang và lời giải thích của chuyên gia
Với những lời đồn như "tiếng hổ gầm", "tiếng rồng khóc", người dân hiếu kỳ đã tập trung rất đông tại khu vực vùng núi phát ra tiếng động lạ để quay video và đăng tải lên các phương tiện truyền thông xã hội.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc liên tục lan truyền các đoạn video ghi lại hình ảnh nhiều người tập trung đông đúc tại một khu vực rừng núi ở Uy Ninh, tỉnh Quý Châu. Điều đáng nói là trong những video được đăng tải đều phát ra một âm thanh vô cùng kỳ lạ mà kể cả những người có mặt ở đó cũng không biết là gì.
Sau khi những clip của người dân hiếu kì lan truyền mạnh mẽ, cư dân mạng bắt đầu đưa ra những lời đồn đoán và giả thuyết về nguồn gốc của âm thanh kia. Người thì cho rằng đó là tiếng "hổ gầm", người lại nói nghe như tiếng "một con rồng lớn đang khóc" hay "tiếng báo hiệu của thiên nhiên về một trận động đất lớn"...
Được biết hàng nghìn người đã kéo đến vùng núi huyện Uy Ninh chỉ để được nghe tận tai âm thanh bí ẩn rền vang cả đất trời suốt nhiều ngày liền, tuy nhiên vẫn không ai xác định được nó phát ra từ đâu. Cho đến hôm nay ngày 3/7, Ban tuyên giáo đảng uỷ huyện Uy Ninh đã chính thức lên tiếng xác minh và giải đáp những nghi ngờ gây hoang mang dư luận thời gian qua, đồng thời bác bỏ khả năng đây là âm thanh báo trước một trận địa chấn.
Theo đó, đại diện Ban tuyên giáo trả lời phóng viên tờ Guiyang Daily cho hay họ đã mời chuyên gia và giám đốc trạm quản lý động vật hoang dã Quý Châu đến kiểm tra. Dựa trên những âm thanh được ghi lại bởi người dân địa phương, trải qua quá trình lấy mẫu tại chỗ, phân tích và so sánh, đã xác định sơ bộ âm thanh lạ ở vùng núi nói trên là của loài chim cun cút chân vàng (Turnix tanki).
Ngoài ra, khi phóng viên phỏng vấn một người nông dân lớn tuổi đang canh tác trong khu vực, người đàn ông cũng cho biết đó là tiếng chim cút chân vàng và đã thấy chúng bay qua vùng núi này trước đó. Đây là một loài chim trong tình trạng bảo tồn và thường di cư đến Quý Châu vào mùa hè. Trong mùa sinh sản, chúng thường phát ra tiếng kêu nặng nề và kéo dài như được ghi lại trong những đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội.