Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 16/12/2020 07:25 (GMT+7)

Xác định, phân chia tài sản khi ly hôn: Một số bất cập và kiến nghị

Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện ưu tiên dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp không tự thỏa thuận được với nhau và phát sinh tranh chấp thì mỗi bên có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án giải quyết. Tỷ lệ phân chia theo nguyên tắc chia đôi, tuy nhiên có tính đến các yếu tố khác như công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình, lỗi dẫn đến việc ly hôn,…

Cụ thể, Điều luật quy định như sau:

”1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

Ảnh minh họa.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”.

Như vậy, để chia tài sản khi ly hôn phải xác định được đâu là “tài sản chung” của vợ chồng để được phân chia. Nói một cách khái quát nhất thì tài sản chung của vợ chồng là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, không phải mọi tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”.

Những điểm bất cập, hạn chế của các quy định về xác định, phân chia tài sản khi ly hôn

Nhìn chung quy định của pháp luật liên quan đến việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn của nước ta có nhiều điểm tương đồng với một số các quốc gia phát triển khác. Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng không bị áp dụng dập khuôn máy móc theo tỷ lệ 50/50 mà có tính đến nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh, công sức đóng góp, lỗi dẫn đến việc ly hôn,… để đảm bảo sự công bằng, cân bằng lợi ích và việc phân chia không làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các bên. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn sẽ tồn tại một số bất cập, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, mặc dù pháp luật có quy định một số yếu tố được đặt ra để xem xét khi phân chia tài sản như: Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia, lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn, theo đó bên có lỗi sẽ có thể bị chia tài sản với tỷ lệ ít hơn,… Tuy nhiên, pháp luật chỉ dừng lại ở khái niệm “nhiều hơn hoặc ít hơn” mà không có bất kỳ một hướng dẫn nào quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia trong những trường hợp này dẫn đến việc áp dụng không nhất quán và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm xét xử của thẩm phán. Trong trường hợp có “lỗi”, tôi nghĩ việc đề cập đến mức độ lỗi thế nào mới xem xét áp dụng quy định này cũng là điều cần thiết.

Ví dụ như một trường hợp phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp phải trong xã hội hiện đại ngày này đó là “ngoại tình”, đây được coi là lỗi không chung thủy. Những trường hợp người chồng ngoại tình sau đó về ruồng rẫy vợ con, vô trách nhiệm khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng không thể cứu vãn thì chúng ta có thể thấy rõ và việc áp dụng quy định này là cần thiết, thậm chí những trường hợp này người chồng chỉ có thể được chia một phần tỷ lệ rất nhỏ để đảm bảo tính răn đe. Nhưng cũng có những trường hợp “ngoại tình” nhưng người chồng một mặt cố gắng che giấu họ vẫn cố gắng sống có trách nhiệm với vợ con, khi bị phát hiện họ cảm thấy có lỗi, nhận thức được việc làm sai trái của mình và cố gắng hàn gắn tình cảm gia đình nhưng người vợ cương quyết ly hôn thì yếu tố lỗi ở đây được xác định như thế nào, theo tỷ lệ như nào?

Thứ hai, quy định về việc xác định thu nhập của người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm nếu không được hướng dẫn cụ thể thì cũng sẽ phát sinh sự thiếu công bằng, bị lạm dụng nếu không được hướng dẫn cụ thể. Một trong những mục đích của hôn nhân là hai người cùng nhau duy trì cuộc sống chung để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Để đảm bảo sự ấm no thì việc cùng nhau đóng góp và xây dựng kinh tế gia đình là trách nhiệm của cả hai.

Thứ ba, vấn đề liên quan đến xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Thực tế việc xác định công sức đóng góp nêu trên mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng không thống nhất.

Để xem xét đánh giá công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, phát triển, giữ gìn, bảo quản,… tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cần phải xem xét thật khách quan, toàn diện từ nguồn gốc hình thành tài sản, giá trị của tài sản, công sức quản lý, giữ gìn tài sản, sự cần thiết và hiệu quả của công sức đã bỏ ra để bảo quản/quản lý và giữ gìn tài sản. Tài sản có giá trị càng cao thì trách nhiệm và công sức của người quản lý, giữ gìn, chăm sóc tài sản đó càng lớn. Do đó thiết nghĩ, để quy định trên được áp dụng thống nhất trong việc phân chia tài sản chung giữa các Tòa án, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn định lượng rõ, dự liệu các trường hợp xảy ra để xác định phần trăm cụ thể góp phần thống nhất áp dụng pháp luật.

Thứ tư, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi như trong áp dụng tập quán, trong hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và giao dịch liên quan. Cụ thể là cơ chế công khai về thỏa thuận của vợ chồng trong xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận. Các loại tài sản khác, các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng được quy định tại các luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể về đất đai, chứng khoán, vốn góp tại doanh nghiệp, đối tượng sở hữu trí tuệ cần được quy định cụ thể hơn về sở hữu của vợ chồng trong quan hệ liên quan.

Để áp dụng thống nhất, đảm bảo tính khách quan và công bằng, tránh chồng chéo chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống văn bản hướng dẫn quy định rõ ràng và cụ thể hơn nữa. Các quy định của pháp luật được xây dựng cần có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội.

Cùng chuyên mục

Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?
Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Thời hạn nộp chi phí tham gia đấu thầu
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT ngày 19/4/2024 của Bộ KH&ĐT về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tin mới