Xâm phạm bí mật nhà nước khi cho doanh nghiệp 'gửi' gạo
Khu vực kho dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đa phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hoả hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến hàng dự trữ quốc gia
Để mua đủ 190.000 tấn gạo dự trữ năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Dự trữ nhà nước và 22 Cục Dự trữ khu vực thông báo 10h hôm nay – 12/5 sẽ đấu thầu lại để mua 182.300 tấn gạo.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra tại các điểm kho dự trữ của 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực cho thấy, có 7/22 Cục đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng quy định của Luật Dự trữ nhà nước, và văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ nhà nước.
Các đơn vị trên bao gồm: Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hoá.
Theo đó, 7 Cục trưởng đã bị tạm đình chỉ công tác, căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính cho biết đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai ngay việc kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm.
Đồng thời, nhận thấy có nhiều dấu hiệu sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm về dự trữ gạo quốc gia sang cơ quan điều tra, Bộ Công an.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc này đã vi phạm nghiêm trọng đến Luật Dự trữ quốc gia 2012, các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ nhà nước và các văn bản liên quan khác.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 61 Luật Dự trữ quốc gia 2012 quy định: “Khu vực kho dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đa phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hoả hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến hàng dự trữ quốc gia”.
Ngoài ra, theo Điều 1 Thông tư số 56/2013/TT-BCA-A81 của Bộ Công an quy định: “Hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho dự trữ nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước của ngành tài chính”.
Và tại Công văn số 600/TCDT-TCQT, ngày 14/5/2018 của Tổng cục Dự trữ nhà nước về hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia quy định: “Nghiêm cấm thủ trưởng các đơn vị cho thuê, cho mượn diện tích đất, kho dự trữ cũng như cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc dưới mọi hình thức (kể cả kho ngoài quy hoạch không có nhu cầu sử dụng) khi chưa có quyết định phê duyệt của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước”.
Như vậy, theo quy định trên thì 7 cục trưởng đã vi phạm khi để kho dự trữ quốc gia thuộc danh mục bí mật nhà nước bị xâm phạm và không thực hiện bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt. Do đó, có đủ căn cứ để đình chỉ công tác các cán bộ trên và làm rõ các vấn đề khác như có hay không việc móc nối giữa các cục dự trữ và doanh nghiệp chờ nâng giá để báo gạo cho dự trữ nhà nước?, từ đó có hình thức xử phạt hợp lý.
Ngoài 7 cục trưởng bị tạm đình chỉ, căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính cho biết đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai ngay việc kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm. Trong đó, có lãnh đạo Tổng cục Dự trữ nhà nước và các vụ chức năng trong việc thiếu kiểm tra giám sát.
Liên quan đến kiểm tra việc mua gạo dự trữ quốc gia 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2020, Tổng cục Dự trữ nhà nước được giao mua dự trữ 190.000 tấn gạo. Kết quả mở thầu ngày 12/3, có 28 doanh nghiệp trúng thầu với số lượng 178.000 tấn.
Hết thời hạn, có 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn; 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp 1.800 tấn; chỉ có 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp đủ số gạo trúng thầu 5.900 tấn.
Theo thanh tra Bộ Tài chính, qua kiểm tra các kho gạo, ngoài lượng gạo của các doanh nghiệp khác, điều đặc biệt là phát hiện có hơn 10.000 tấn gạo của các đơn vị đã trúng thầu gạo hôm 12/3 nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo cho Nhà nước.
Được biết, qua kiểm tra thực tế tại 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực trên toàn quốc, thanh tra Bộ Tài chính cũng đã phát hiện 6 cục (gồm Hà Bắc, Ðông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh và Bình Trị Thiên) có số lượng gạo thực tế tại kho lớn hơn số gạo trên sổ sách kế toán và thẻ kho là 11.239 tấn.
Trước kết quả thanh tra này, Bộ Tài chính đã yêu cầu thanh tra Bộ chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Việt Đức – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước cho biết, sai phạm của 7 Cục Dự trữ nhà nước đã rõ khi cho gửi nhờ gạo trong kho của Nhà nước. Tới đây, Tổng cục Dự trữ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra theo quý hoặc đột xuất để giám sát chặt chẽ hơn.
Về trách nhiệm khi để hàng loạt Cục Dự trữ nhà nước sai phạm, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ thừa nhận sai đến đâu sẽ nhận đến đó. Còn chủ yếu là cấp Cục phải nhận trách nhiệm?.
Về vai trò và quyền hạn của Tổng cục Dự trữ Luật sư Hà cho biết, đã được quy định và phê duyệt khá rõ ràng. Trong đó, nhiệm vụ chính là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về dự trữ nhà nước. Vậy sự việc lần này, Tổng cục Dự trữ cần phối hợp với Bộ Tài chính, đề xuất phương án để giải quyết, thanh tra, điều tra mở rộng các vấn đế liên quan; hợp tác trong công tác thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ còn có chức năng đề xuất các kế hoạch quản lý và bảo vệ, bảo mật, đảm bảo an toàn hàng dự trữ vệ tinh.
Như vậy, vai trò trách nhiệm của Tổng cục Dự trữ nhà nước và các Cục Dự trữ khu vực đến đâu trong sự việc này sẽ được các cơ quan thanh tra, điều tra làm rõ. Tuy nhiên, dư luận hết sức bức xúc về việc các Cục Dự trữ đã đem kho tàng thuộc diện bí mật cho các doanh nghiệp thuê lại để đầu cơ tích trữ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khó kiểm soát là một điều không thể chấp nhận. Liệu đây có được xem là hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ tích trữ?