Xét nghiệm Covid-19 có thu phí cho người dân: Cần giám sát chặt chẽ, tránh xảy ra tiêu cực, thu lợi bất chính
Các cơ quan chức năng cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch, đúng pháp luật, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, nâng khống giá, thu lợi bất chính trong việc đầu tư, mua sắm các tranh thiết bị, vật tư y tế, cũng như các chi phí khác phục vụ xét nghiệm, làm tăng giá xét nghiệm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần xây dựng các quy định thống nhất và phù hợp về các trường hợp cần phải xét nghiệm Covid – 19, để tránh việc mỗi địa phương, tổ chức, doanh nghiệp làm một kiểu, nhiều khi 'thái quá', gây khó khăn, phiền hà và phát sinh các chi phí không cần thiết cho người dân.
Liên quan đến việc một số tỉnh triển khai xét nghiệm Covid-19 có thu phí cho người dân. Cụ thể, trước nhu cầu của nhiều người dân trong tỉnh về việc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh Covid-19 còn hiệu lực mới có thể quay trở lại nơi làm việc, công tác sau kỳ nghỉ Tết, Sở Y tế Thái Bình đã trình UBND tỉnh phương án triển khai làm xét nghiệm có thu phí.
Theo đó, giá mỗi lần làm xét nghiệm tại CDC Thái Bình là 734.000 đồng. Số tiền này là phí một phần của cả quy trình làm xét nghiệm, không phải toàn bộ. Phần phí còn lại sẽ được lấy từ ngân sách hỗ trợ và thực hiện xã hội hoá từ các nguồn thu khác.
Tại Quảng Ninh, trước đó, để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, làm việc của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, từ ngày 16/02/2021, tại tỉnh này cũng đã triển khai dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu.
Nhiều ý kiến người dân cho rằng mức giá như trên là khá cao chỉ để đảm bảo có một tờ giấy "thông hành" khi quay trở lại nơi làm việc.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, mức giá xét nghiệm sẽ được xác định trên cơ sở các chi phí như: chí phí đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, bộ xét nghiệm, chi phí cho nhân viên, y bác sĩ và các chi phí phát sinh khác phục vụ cho việc xét nghiệm. Tuy nhiên hiện nay, Bộ Tài chính và Bộ Y tế chưa thống nhất và xây dựng được quy định về mức giá xét nghiệm Covid-19 tính đủ chi phí.
Theo hướng dẫn Văn bản số 5834/BYT-KH-TC ngày 27/10/2020 của Bộ Y Tế về hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh, theo đó: Trong khi chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất ban hành quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tính đủ chi phí; Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương áp dụng mức giá của dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo mức giá của dịch vụ đã được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp. Cụ thể:
- Dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR: tối đa 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.
- Dịch vụ số 1736: xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh đối với trường hợp thực hiện test nhanh tối đa 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.
Như vậy, theo hướng dẫn nêu trên của Bộ Y Tế thì mức giá xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Real-time PCR có giá tối đa 734.000 đồng/mẫu, còn test nhanh có giá tối đa 238.000 đồng/mẫu.
"Do đó, mức giá xét nghiệm Covid-19 là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm do Sở Y tế Thái Bình đề xuất, nếu là xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR thì không trái với quy định của Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế, cũng như hướng dẫn tại Văn bản số 5834/BYT-KH-TC ngày 27/10/2020 của Bộ Y tế", Luật sư Nguyễn Đức Hùng đánh giá.
Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, nếu so với mức thu nhập chung của người lao động hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh, khi thu nhập của nhiều người bị giảm sút ở những mức độ nhất định, thì mức giá 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm là tương đối cao, nhất là đối với những người có thu nhập thấp.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay thì việc xét nghiệm Covid – 19 vẫn hết sức cần thiết. Người dân không nên có tư tưởng coi việc xét nghiệm Covid-19 chỉ là “tờ giấy thông hành” khi quay lại nơi làm việc hoặc di chuyển giữa các địa phương mà cần nhận thức rằng đây là biện pháp cần phải thực hiện, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, cũng như của mỗi người.
Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế gặp những khó khăn rất lớn do dịch bệnh, nguồn thu của ngân sách bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng Nhà nước vẫn đã và đang phải chi những khoản tiền rất lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Do đó, trước hết mỗi người cần phải có sự cảm thông và đồng lòng, chia sẻ với Nhà nước và xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, cũng như kinh phí trong việc xét nghiệm Covid-19 nói riêng.
Mặt khác, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cũng cần kịp thời nghiên cứu và xây dựng quy định về mức giá cụ thể, riêng cho việc xét nghiệm Covid-19 một cách hợp lý, trên cơ sở chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người dân, cũng như huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa, để có thể giảm tải được gánh nặng tài chính cho Nhà nước và người dân.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch, đúng pháp luật, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, nâng khống giá, thu lợi bất chính trong việc đầu tư, mua sắm các tranh thiết bị, vật tư y tế, cũng như các chi phí khác phục vụ xét nghiệm, làm tăng giá xét nghiệm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần xây dựng các quy định thống nhất và phù hợp về các trường hợp cần phải xét nghiệm Covid-19, để tránh việc mỗi địa phương, tổ chức, doanh nghiệp làm một kiểu, nhiều khi “thái quá”, gây khó khăn, phiền hà và phát sinh các chi phí không cần thiết cho người dân, Luật sư Hùng kiến nghị.