Xử lý tài sản trong vụ án hình sự như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xử lý tài sản trong vụ án hình sự như thế nào? Trong trường hợp tài sản không liên quan đến vụ án mà được xác định là do buôn bán, kinh doanh bất động sản nhưng không kê khai thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế, không nộp thuế thì có được xem là hành vi trốn thuế không?
Ảnh minh họa.
Xử lý tài sản trong vụ án hình sự như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết về nguyên tắc là khi giải quyết vụ án hình sự thì Tòa án sẽ xem xét xử lý vật chứng của vụ án và có thể giải quyết cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng như sau:
"Điều 106. Xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy...".
Trong các vụ án hình sự, vật chứng là một trong những chứng cứ quan trọng để chứng minh, buộc tội những người có hoặc không liên quan đến vụ án và làm sáng tỏ thêm các tình tiết của vụ án. Vì vậy, việc xử lý vật chứng là khâu cần phải được chú trọng trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Cường nhấn mạnh ngoài việc giải quyết, quyết định các bị cáo có phạm tội hay không, mức hình phạt thế nào thì Tòa án cũng sẽ quyết định đến việc xử lý vật chứng theo các quy định của tố tụng hình sự. Theo đó, những vật chứng do phạm tội mà có hoặc là công cụ phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị tịch thu sung vào công quĩ nhà nước.
Những vật chứng là tài sản hợp pháp của người khác, không liên quan đến tội phạm thì sẽ được trả lại.
Nếu vật chứng là tài sản hợp pháp của người bị hại, bị tội phạm xâm phạm đến cần phải được pháp luật bảo vệ thì sẽ trả lại cho bị hại hoặc buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả để trả lại cho người bị hại.
Tài sản do buôn bán nhưng không nộp thuế thì có được xem là hành vi trốn thuế không?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trốn thuế là hành vi thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số thuế phải đóng hoặc trốn tránh việc đóng thuế cá nhân, doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có các nhóm hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
- Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
- Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế.
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.
- Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế không đúng với mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
- Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán để làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu trái pháp luật trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn, hai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận.
- Người nộp thuế dù đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.
Như vậy, căn cứ quy định trên, hành vi không kê khai thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế, không nộp thuế đối với tài sản không liên quan đến vụ án mà được xác định là do buôn bán, kinh doanh bất động sản có thể được xem là hành vi trốn thuế.
Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trốn thuế" theo quy định tại Điều 200, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP