Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 06/09/2019 14:14 (GMT+7)

Yên Lạc- Vĩnh Phúc: Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lan rộng

Nhiều ngày nay, bà con tại xã Yên Phương và xã Tam Hồng (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ xác lợn chết do dịch tả lợn châu Phi nhưng không được chôn lấp, xử lý kịp thời.

Trong khi cả nước đang quyết tâm nỗ lực dập dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) thì bà con tại xã Yên Phương và xã Tam Hồng (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) nhiều ngày nay phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ xác lợn chết vứt bừa bãi trên cánh đồng, không được chôn lấp, tiêu hủy kịp thời theo đúng quy định. Hậu quả của sự việc khiến một số bà con phải bỏ đồng ruộng của mình, không thể canh tác, trồng trọt do không khí bị ô nhiễm nặng nề.

Xác lợn chết đã bị phân hủy, không được chôn lấp - Ảnh chụp ngày 09/7/2019 tại cánh đồng xã Yên Phương.

Chiều ngày 09/07/2019, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của bà con nhân dân xã Yên Phương, PV đã về tận nơi để xác thực thông tin. Theo ghi nhận thực tế của PV, trên địa bàn xã có 4 vị trí chôn lấp thì 3 vị trí không đảm bảo theo quy định. Tại vị trí nằm ngay sát đường tỉnh lộ đi  Liên Châu, bên cạnh là kênh tiêu nước tiềm ẩn nguy cơ ngấm nước thối rữa từ xác lợn đã chôn ra nguồn nước là không tránh khỏi.

Tại vị trí ở cánh đồng thôn Yên Thư, khi nhóm PV đến cách đó hàng trăm mét đã cảm nhận mùi hôi thối nồng nặc bốc lên rất khó chịu. Quan sát nhận thấy, thực tế hố chôn được lấp qua loa, lớp đất lấp mỏng, nên khi xác lợn phân hủy đã gây trương phình ra, các vết đất nứt lên, nước thối rữa, ròi bọ nổi lên mặt đất.

Tại vị trí xứ Đồng Đê thôn Dân Trù ngay sát kênh tiêu Nam, bên phía một số trang trại chăn nuôi của nhân dân thôn Lâm Xuyên - xã Tam Hồng xác lợn chết xếp chồng đống, thối rữa nằm la liệt, có những cái xác động vật đã phân hủy còn trơ lại bộ xương, chứng tỏ sự việc này đã diễn ra đã rất lâu và tồn tại trong quãng thời gian dài. Sự việc trên khiến bà con vô cùng bức xúc.

Tuy vậy, không rõ có phải vô tình trùng khớp không, mà sáng ngày 10/07/2019, khi PV có mặt thì nơi tập trung xác lợn chết do DTLCP đã được chính quyền xã Yên Phương cho chôn lấp. Theo ghi nhận của PV, việc chôn lấp vô cùng sơ sài, vôi bột rắc chỗ có chỗ không, lớp đất phủ phía trên cùng quá mỏng. Do buổi ghi nhận thực tế kéo dài hết chiều hôm đó, PV không kịp về làm việc với chính quyền UBND xã Yên Phương nên ngày hôm sau, vào lúc 14h30 ngày 10/07/2019, PV đã có buổi tiếp xúc làm việc với ông Nguyễn Văn Tùy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Yên Phương.

Tại buổi làm việc, ông Tùy cho biết, DTLCP đã xảy ra trên địa bàn xã từ ngày 15/05/2019, đến nay, trên địa bàn xã chỉ còn rất ít số đầu lợn chưa mắc bệnh, mà gần như xóa sổ. Khi hỏi về quy trình tiêu hủy lợn bị bệnh như thế nào? Ông Nguyễn Văn Tùy cho biết: “Chúng tôi thực hiện nghiêm theo quy định và đúng theo quy trình hướng dẫn của cấp trên, các vị trí chôn lấp đã được khảo sát và đảm bảo an toàn, diện tích mỗi hố chôn rộng khoảng 12m2, sâu 3 mét, trước khi chôn hủy chúng tôi lót bạt ở dưới đáy, sau đó rắc vôi bột xuống, xác lợn được cho vào bao tải rồi mới cho xuống hố, khoảng cách từ bề mặt bao chứa xác lợn chết đến mặt đất chúng tôi lấp lớp đất dày 1 mét, sau đó được rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng lên trên theo đúng quy định”. Ông Tùy còn khẳng định sự việc không chôn lấp xác lợn chết do DTLCP chỉ mới diễn ra 2 -3 ngày thôi chứ không phải kéo dài hàng tháng như ý kiến phản ánh của bà con.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ 2025 các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 04 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.