04 trường hợp máy bay không người lái có thể bị tạm giữ, tịch thu
Ngày 01/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến các dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5, gồm: Luật Phòng không nhân dân, Luật Công chứng sửa đổi, Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi.
Trình bày tờ trình dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết một trong các chính sách lớn được quy định tại dự thảo là về kinh doanh, xuất nhập khẩu, thiết kế, sửa chữa, đăng ký, khai thác sử dụng và cả việc đình chỉ chuyến bay và tạm giữ, thu giữ, chế áp… đối với máy bay không người lái (MBKNL), phương tiện bay siêu nhẹ (bao gồm cả phụ tùng liên quan).
Theo đó, dự thảo Luật quy định Bộ KH&ĐT sẽ cấp phép kinh doanh. Bộ Công thương sẽ cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu. Bộ Công an sẽ có trách nhiệm quản lý đăng ký. Bộ Quốc phòng sẽ cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh và cấp phép cho các chuyến bay của MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ (ngoại trừ của Bộ Công an).
Dự thảo Luật cũng quy định người trực tiếp điều khiển MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định 04 trường hợp, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ, thu giữ, chế áp MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ.
Cụ thể, tổ chức hoạt động bay khi không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào, trừ các chuyến bay công vụ. Trường hợp thứ 2 là xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay mà có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay. Thứ 3 là các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thứ 4 là sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khí sinh học hoặc các chất cấm.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết quy định cấp phép xuất khẩu cho MBKNL và phương tiện bay siêu nhẹ; điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu. Có ý kiến khác đề nghị quy định thống nhất về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu đối với MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để rà soát, quy định nội dung phù hợp, nhất là quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ.
Về điều kiện khai thác, sử dụng MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cho rằng, nội dung quy định điều kiện phải "có kiến thức về hàng không" là chưa rõ, có thể phát sinh thủ tục, yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ không cần thiết.
Cho ý kiến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần làm rõ việc kinh doanh MBKNL, phương tiện bay siêu nhẹ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được Bộ KH&ĐT cấp phép.
Báo cáo thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nói hiện việc cấp phép ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang được các phòng đăng ký kinh doanh thuộc các sở KH&ĐT ở địa phương thực hiện. Do đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, nên quy định trong luật là giao cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép thay vì Bộ KH&ĐT.