2023 có thể là năm nóng nhất nhân loại từng trải qua
Cơ quan giám sát tình trạng biến khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/10 cho biết thế giới vừa trải qua tháng 9 với nhiệt độ trung bình cao chưa từng thấy và xu hướng này có thể duy trì trong tháng 10.
Theo báo cáo của C3S, phần lớn thế giới đã trải qua thời tiết ấm áp trái mùa vào tháng 9 vừa qua, trong một năm được dự báo là nóng nhất trong lịch sử loài người. Nhiệt độ trung bình trong tháng này là 16,38 độ C, cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của các tháng 9 trong giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,5 độ C so với mức kỷ lục trước đó, ghi nhận trong tháng 9/2020.
C3S khẳng định tháng 9 vừa qua là "tháng ấm áp bất thường nhất" trong dữ liệu thống kê tính từ năm 1940 và nóng hơn khoảng 1,75 độ C so với mức trung bình tháng 9 trong thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp 1850-1900.
Báo cáo của cơ quan này cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay đã cao hơn 1,4 độ C so với giai đoạn cùng kỳ năm 1850-1900, gần chạm mục tiêu kiềm chế mức độ tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Ngưỡng tăng nhiệt tối thiểu này được xem là một mục tiêu sống còn nhằm tránh những hậu quả thảm khốc nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay cũng cao hơn 0,05 độ C so với giai đoạn cùng kỳ năm 2016 - năm ấm nhất được ghi nhận cho đến nay.
Các nhà khoa học đánh giá hiện tượng El Nino có thể khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục trong ba tháng tới. Những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng này sẽ biểu hiện rõ rệt vào cuối năm 2023 và kéo dài tới năm 2024.
Xét riêng tại châu Âu, nhiệt độ trung bình ở lục địa này trong tháng 9 vừa qua đã cao hơn 2,51 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1991-2020, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Nhiệt độ mặt nước biển trung bình trong tháng này (không bao gồm các vùng cực) cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, với 20,92 độ C.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên dữ dội hơn, điển hình là cơn bão Daniel gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại Libya và Hy Lạp trong tháng vừa qua. Biển và đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa phát sinh từ các hoạt động của con người kể từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp. Việc nhiệt độ gia tăng sẽ làm suy giảm khả năng hấp thụ CO2 của biển và đại dương, qua đó làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn của hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng như phá vỡ các hệ sinh thái mỏng manh.