5 nguyên nhân khiến học sinh mất động lực khi gần đến ngày thi chuyển cấp
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, thầy Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là giữ được sự ổn định phong độ và ôn luyện thật kỹ các dạng bài căn bản, trọng tâm.
Vào những giai đoạn gần kề ngày thi chuyển cấp, nhiều học sinh có tình trạng hụt hơi, giảm động lực, thậm chí "rời bỏ cuộc chơi" sớm. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Thầy giáo Trần Nhật Minh, sáng lập và chủ nhiệm CLB Toán bồi dưỡng - MathExpress chỉ ra những nguyên nhân chính:
1. Xác định mục tiêu không phù hợp với năng lực: Nhiều bạn đi ôn thi với mục tiêu cao song kiến thức và khả năng lại chưa tới; dẫn tới càng học càng đuối, càng đuối thì càng nản. Điều này cũng 1 phần do nhiều phụ huynh kỳ vọng quá vào con, chọn mục tiêu theo ý bố mẹ nên bỏ qua các giai đoạn đánh giá năng lực cơ bản xem mục tiêu đó có vừa sức con mình hay không.
"Thời gian gần đây có khá nhiều trường hợp có những bạn học sinh đi ôn thi muộn, nền tảng chưa có hoặc tương đối yếu nhưng phụ huynh lại đề ra các mục tiêu rất cao. Có những bạn lớp 5 kiến thức chỉ mới dừng ở mức sách giáo khoa lại muốn thi Ams, hay có bạn lớp 9 chưa hề có căn cơ gì Toán nâng cao song lại có nguyện vọng thi chuyên Toán.
Hầu hết các trường hợp này sau khi thi thử xong mình đều phải tư vấn cho phụ huynh cân nhắc lại. Không phải nói vậy để bố mẹ các con thất vọng mà chỉ là nếu đã không khả thi thì đừng nên cố. Vẫn biết là còn yếu tố người học và người dạy, nhưng ngay cả vậy cũng cần có thời gian, chứ không thể chỉ trong 1 - 2 tháng để từ con số xấp xỉ 0 vươn tới mục tiêu top đầu được", thầy Minh nói.
2. Đi ôn thi quá muộn, trường hợp này khá phổ biến: Năm nào cũng vậy, cứ còn cách kỳ thi vài tháng thì nhiều gia đình mới tất tả tìm lớp ôn cho con. Thực tế có những bạn năng lực không tệ, tiếp thu tốt song vì thời gian còn lại quá hạn chế nên không đủ để bù lại những lỗ hổng kiến thức; dẫn đến việc học sinh dù rất cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn và dần mất đi động lực.
3. Đi học thêm quá nhiều, dẫn tới quá tải: Việc đi học 1 cách ôm đồm khiến học sinh luôn có 1 gánh nặng lớn về lượng bài vở, không còn thời gian tự học; từ đó dẫn tới tâm lý làm bài qua loa, chống chế. Tình trạng kéo dài khiến áp lực thì tăng mà hiệu quả lại giảm, thậm chí ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tinh thần.
4. Mất tự tin và phương hướng từ chính phụ huynh học sinh: Càng gần ngày thi, áp lực và lo lắng cho các con càng lớn khiến bản thân chính bố mẹ các con cảm thấy hoang mang, không biết làm thế nào cho phải. Có nhiều phụ huynh để việc đó đè nặng nên dẫn tới suy nghĩ không thông, quyết định chưa đúng. Đúng ra khi gặp những vấn đề này, bố mẹ các con hãy trao đổi với thầy cô. Chắc chắn thầy cô sẽ chia sẻ và giúp phụ huynh tháo gỡ được các khúc mắc, trăn trở để tiếp tục đồng hành cùng con.
5. Sớm bằng lòng với kết quả hiện tại: Đây có thể xem là lý do có thể hiểu được ở góc độ nào đó. Vì hiện nay có những trường xét và thi tuyển khá sớm, đôi khi tháng 1, tháng 2 đã thi xong rồi. Chưa kể là các trường đều hút học sinh bằng cách đưa ra các chính sách hấp dẫn như ưu đãi học phí, cấp % học bổng; rồi vẽ ra các định hướng rất hào nhoáng.
Điều này dẫn tới có nhiều gia đình ban đầu dù đặt mục tiêu có thể là cao hơn; song đứng trước những sức hút như vậy lại lung lay, và cuối cùng chấp nhận dừng lại để tháo gỡ áp lực, rủi ro thi cử. Điều này có thể đúng, cũng có thể là 1 bước lùi, song ít ra thì học sinh vẫn được xem là đạt được 1 trong các mục tiêu đề ra.
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, thầy Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là giữ được sự ổn định phong độ và ôn luyện thật kỹ các dạng bài căn bản, trọng tâm. Việc cố nhồi nhét hay sa đà vào học các bài quá khó, quá đánh đố hay học mẹo là điều nên hạn chế. Thời điểm này các học sinh đã ở ngưỡng giới hạn kiến thức nên cố ép thêm bài vở với mong muốn "giỏi" hơn là không cần thiết và không hiệu quả.