Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 02/04/2023 13:57 (GMT+7)

6 thực phẩm là 'kẻ thù' của đường ruột, bác sĩ tiêu hóa khuyên tránh xa

Thực phẩm có tác động không nhỏ tới sức khỏe đường ruột. Dưới đây, các bác sĩ tiêu hóa liệt kê 6 thực phẩm họ không bao giờ hoặc hiếm khi ăn.

Tất cả chúng ta đều có một vài niềm đam mê riêng với ẩm thực. Người thì thích một bát kem sô cô la lớn sau một ngày dài căng thẳng. Người khác lại muốn uống Coca với bánh pizza vào ngày cuối tuần. Một chiếc burger và khoai tây chiên ngoài quán ăn cũng là món nhiều người ưa thích.

Nhưng chúng ta cũng đã nhiều lần nghe các lời khuyên như "cái gì cũng nên ăn vừa phải". Hầu hết các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng đều biết rằng việc loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm bạn yêu thích sẽ phản tác dụng, khiến bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng có một số loại thực phẩm mà các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tránh 99% (và đôi khi là 100%), theo tờ HuffPost.

Không có loại thực phẩm nào trong số này gây giảm tuổi thọ nếu bạn chỉ thỉnh thoảng mới ăn, nhưng khi ăn thường xuyên, chúng có thể có tác động xấu tới sức khỏe. Dưới đây là sáu thực phẩm các bác sĩ tiêu hóa khuyên bạn nên hạn chế.

6 thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa

1. Thanh protein

Hầu hết các thanh protein đều được quảng bá là tốt cho sức khỏe, đặc biệt là các loại làm từ trái cây và hạt. Tuy nhiên, Tiến sĩ Harmony Allison, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Tufts, Mỹ, nói với HuffPost rằng bà không bao giờ ăn những thanh protein đã qua chế biến nhiều lần.

Tiến sĩ Allison giải thích rằng các thanh protein đã qua chế biến nhiều lần có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng. "Tôi không bao giờ ăn thanh protein. Chúng thường được chế biến nhiều lần và chứa nhiều chất phụ gia không rõ công dụng", tiến sĩ Allison nói. "Bạn có thể nhận được cùng một lượng protein trong một cốc sữa, một phần bơ đậu phộng, các loại hạt hoặc hạt bí".

2. Bít tết

Rất tiếc cho những người yêu thích thịt đỏ! Các bác sĩ tiêu hóa không hề ủng hộ món ăn này.

Tiến sĩ Reezwana Chowdhury, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ, cho biết: "Tôi tránh thịt đỏ, đặc biệt là bít tết và burger. Thịt đỏ và thịt qua chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và polyp đại trực tràng. Chúng chứa nhiều chất béo bão hòa, nhưng nếu bạn định ăn món này thì lượng tiêu thụ là rất quan trọng: Nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn ở những người tiêu thụ hơn 100 gram mỗi ngày".

6 thực phẩm là 'kẻ thù' của đường ruột, bác sĩ tiêu hóa tránh xa - Ảnh 1.
Thịt đỏ và thịt qua chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và polyp đại trực tràng.

3. Xúc xích và các loại thịt chế biến khác

Không dễ gì từ chối một vài miếng thịt xông khói thơm phức hoặc một chiếc xúc xích. Tuy nhiên, tiến sĩ Rabia De Latour, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và phó giáo sư y khoa tại Trường Y NYU Grossman, Đại học New York, Mỹ, tránh xa những loại thịt chế biến sẵn như thế này.

Tiến sĩ Latour nói: "Thịt đỏ và thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Dữ liệu đã cho thấy việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến ít nhất 4 lần mỗi tuần có liên quan tới việc tăng 20% nguy cơ ung thư đại trực tràng".

4. Cá hoặc gà chiên

Đây là những món ăn kích thích vị giác nhưng không có lợi cho sức khỏe đường ruột.

Tiến sĩ Mahmoud Ghannoum, nhà nghiên cứu hệ vi sinh vật tại Mỹ, giải thích: "Các nghiên cứu chỉ ra rằng dầu chiên có thể thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột theo hướng bất lợi, dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch trầm trọng hơn (tích tụ chất béo và các chất khác trên thành động mạch)".

Về lâu dài, sự tích tụ này có thể dẫn đến những hậu quả như đau tim và đột quỵ.

5. Soda

Nếu bạn là người thường xuyên uống soda hoặc các loại nước ngọt khác khác, có lẽ đã đến lúc từ bỏ thói quen đó.

Tiến sĩ Simon C. Matthews, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Johns Hopkins, cho biết: "Những loại đồ uống này có liên quan đến các bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường và bệnh tim. Ngoài ra, chúng thường liên quan đến việc gây ra các triệu chứng đầy hơi, ợ hơi và trào ngược đường tiêu hóa, đặc biệt là các loại đồ uống có ga và caffeine".

6 thực phẩm là 'kẻ thù' của đường ruột, bác sĩ tiêu hóa tránh xa - Ảnh 2.
Soda có liên quan đến các bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường và bệnh tim.

6. Bánh mì trắng

Theo Tiến sĩ Shilpa Grover, giám đốc chương trình ung thư tiêu hóa thuộc khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Brigham and Women, Mỹ, ngũ cốc tinh chế không tốt cho đường ruột.

Tiến sĩ Grover nói: "Các nghiên cứu xem xét các mô hình ăn uống đã chỉ ra ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến và ngũ cốc tinh chế có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa (trong đường tiêu hóa)".

Điều đặc biệt là việc hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, ngũ cốc tinh chế không chỉ tốt cho sức khỏe đường ruột mà còn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh động mạch vành, tiến sĩ Grover phân tích.

Cuối cùng, nếu bạn đang băn khoăn liệu có phải nói lời chia tay với những món ăn trên hay không, thì đừng quá lo lắng. Thỉnh thoảng ăn một chiếc xúc xích sẽ không hủy hoại sức khỏe đường ruột của bạn. Chỉ cần đừng ăn quá nhiều - và hãy ăn thêm các món ăn tốt cho sức khỏe đường ruột.

Thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa

Vậy thay vì các món ăn trên, chúng ta nên ăn gì để hỗ trợ hệ tiêu hóa?

Theo chuyên trang y tế Medical News Today, chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa nói chung. Nếu một người không quen ăn chất xơ thường xuyên, tốt nhất nên tăng lượng chất xơ từ từ, bắt đầu bằng chất xơ hòa tan như từ bột yến mạch, táo và chuối. Cứ sau khoảng 4-5 ngày, bạn có thể tăng dần chất xơ vào chế độ ăn. Tăng lượng chất xơ quá nhanh có thể không tốt cho tiêu hóa.

6 thực phẩm là 'kẻ thù' của đường ruột, bác sĩ tiêu hóa tránh xa - Ảnh 3.
Chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa nói chung.

Uống đủ nước cũng rất quan trọng. Nước thúc đẩy chất thải đi qua hệ tiêu hóa và giúp làm mềm phân. Chất xơ hoạt động như một miếng bọt biển, hấp thụ nước. Không có nước, chất xơ không thể thực hiện công việc của nó và bạn sẽ bị táo bón.

Dưới đây là một số loại thực phẩm cụ thể tốt cho tiêu hóa:

- Thực phẩm có gừng: Gừng có thể làm giảm đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác. Bột gừng khô là một loại gia vị tuyệt vời để tạo hương vị cho bữa ăn, và mọi người cũng có thể dùng những lát gừng để pha trà.

- Chất béo không bão hòa: Loại chất béo này giúp cơ thể hấp thụ vitamin. Nó cũng kết hợp với chất xơ để khuyến khích nhu động ruột. Dầu thực vật như dầu ô liu là một nguồn chất béo không bão hòa tốt. Luôn tiêu thụ chất béo ở mức độ vừa phải. Ví dụ, đối với một người trưởng thành theo chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày, lượng chất béo không được vượt quá 77 gram mỗi ngày.

- Trái cây: Nhiều loại trái cây cũng rất giàu chất xơ. Chúng còn chứa các vitamin và khoáng chất tốt cho tiêu hóa, chẳng hạn như vitamin C và kali. Ví dụ, táo, cam và chuối là những loại trái cây bổ dưỡng có thể giúp ích cho hệ tiêu hóa.

- Ngũ cốc toàn phần: Ngũ cốc nguyên hạt cũng có hàm lượng chất xơ cao giúp hỗ trợ tiêu hóa. Bạn có thể bắt đầu với gạo lứt, diêm mạch...

- Sữa chua: Nhiều loại sữa chua chứa probiotics. Đây là những vi khuẩn sống và men có thể có lợi cho hệ tiêu hóa.

- Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng có ích cho tiêu hóa. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Chemical Biology, những loại rau này cũng chứa sulfoquinovose - loại đường có thể nuôi vi khuẩn có lợi trong dạ dày, do đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa.

(Nguồn: HuffPost, Medical News Today)

Cùng chuyên mục

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa - Bài 2: Nhà thuốc Long Châu bán thuốc kháng sinh trẻ em như rau
Chưa tới ba phút đã có thể mua một hộp thuốc kháng sinh mà không cần toa thuốc, không có sự tư vấn, cảnh báo từ các dược sĩ…thực trạng này đang xảy ra tại hàng loạt nhà thuốc Long Châu. Liên tiếp bị xử phạt về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái diễn mang dấu hiệu coi thường pháp luật, sức khoẻ người dân.
“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa
Thực trạng thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh được bán vô tội vạ mà không cần toa đang xảy ra tràn lan tại chuỗi các nhà thuốc lớn tại TP HCM. Liên tiếp bị cơ quan chức năng xử lý nhưng hành vi sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn vì chế tài xử phạt nhẹ. Trong khi đó, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm.
Thêm một ca tử vong do cúm A/H1 pdm
Ngày 15/11, thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về ca bệnh tử vong do cúm A/H1 pdm.

Tin mới

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.
Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng mã QR thông qua các nền tảng kỹ thuật số
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi bắt gặp các tin nhắn, Email hoặc các bài đăng chứa đựng mã QR. Đồng thời, cẩn trọng xác minh thông tin của cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.