Ai đã cố tình tìm cách 'khuấy đục' nguồn nước sông Đào tại Nghệ An?
Vấn đề nước sạch ở khu vực thành phố Vinh và vùng phụ cận bỗng nhiên trở thành chủ đề nóng, dân chúng lo lắng kêu ca, báo chí miệt mài phản ánh nhưng đến nay vấn đề này hình như vẫn còn bế tắc và có nguy cơ rối ren hơn.
Nguyên nhân nào khiến vấn đề nước sạch và dòng chảy tự nhiên của những con sông hiền hòa như sông Lam, sông Đào xưa nay vốn yên bình bỗng chốc “vẩn đục và nổi sóng”? Chẳng lẽ có cá nhân hay nhóm lợi ích nào cố tình “khuấy đục” khiến nguồn nước sông Đào gần đây luôn “bất ổn và dậy sóng”?
Ngày 18/5/2019, Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam (là đơn vị cấp nước thô) có công văn số 13/CNSL đã “nổ phát súng đầu tiên” về việc nước sông Đào bị ô nhiễm, đồng thời cho rằng UBND tỉnh Nghệ An cũng đồng thuận chỉ đạo vấn đề này nên công văn số 13/CNSL có đoạn: “Mới đây nhất là Thông báo số 261/TB-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An: không sử dụng nguồn nước sông Đào ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sạch”.
Trụ sở Công ty CP cấp nước Nghệ An. |
Nhưng thực tế khách quan hoàn toàn ngược lại vì sự thật không đúng như vậy.
Theo “Báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam và Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An” (Văn bản số 1302/BC-STNMT ngày 13/03/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An) thì: “Về chất lượng nước mặt sông Đào: Định kỳ hàng tháng, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đã lấy mẫu phân tích chất lượng nước mặt sông Đào. Kết quả thử nghiệm lần gần nhất (lấy mẫu ngày 13/02/2019 và ngày 22/02/2019 ) thì tất cả 11 thông số phân tích đều nằm trong giá trị giới hạn QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A2) Limit”.
Do vậy, cũng theo Báo cáo kết quả kiểm tra số 1302/BC-STNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã kết luận và kiến nghị: Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An tiếp tục được khai thác và sử dụng nguồn nước sông Đào một cách bình thường, ổn định như trong các văn bản pháp quy của UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành và đang còn hiệu lực.
Cần lưu ý là, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An (là cơ quan tham mưu duy nhất của UBND tỉnh Nghệ An về lĩnh vực này) sau quá trình rà soát thanh tra toàn diện hai doanh nghiệp này đã không có nội dung nào yêu cầu Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An dừng việc sử dụng nguồn nước từ sông Đào và cũng không hề nghi vấn nước sông Đào bị ô nhiễm như nội dung cảnh báo (nêu trên) của Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam tại công văn số 13/CNSL ngày 18/5/2019.
Đồng thời, cũng theo Báo cáo kết quả kiểm tra số 1302/BC-STNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã thêm một lần nữa khẳng định 02 văn bản pháp quy của UBND tỉnh Nghệ An (số 2259/QĐ-UBND.NN ngày 04/7/2007 và văn bản số 390/GP-UBND ngày 29/01/2015) đang còn hiệu lực, khẳng định Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An được sử dụng nguồn nước thô từ sông Đào không thời hạn (cho nhà máy nước Cầu Bạch) và được sử dụng bình thường trong thời hạn 10 năm (cho nhà máy nước Hưng Vĩnh) kể từ khi cấp phép năm 2015.
Điều không bình thường là, vấn đề sử dụng nước sông Đào để sản xuất nước sạch của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An tưởng chừng đã rất rõ, nhưng không hiểu sao “sóng gió” vẫn tiếp tục nổi lên (hình như có phần dữ dội hơn) trên vùng sông nước vốn từ lâu luôn bình yên này? Ngày 13/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Thái Thanh Quý bất chợt có quyết định làm tổ trưởng tổ thẩm định những vấn đề vướng mắc giữa 02 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam (cấp nước thô) và Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An (sản xuất nước sạch). Công luận dù có chút ngỡ ngàng nhưng vẫn khấp khởi hy vọng vấn đề vướng mắc này có lẽ sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa. Nhưng thực tế lại có vẻ không đúng như mọi người kỳ vọng.
Ngày 29/7/2019, Đoàn kiểm tra chất lượng nước sạch (thực hiện theo Quyết định số 729/QĐ-SYT ngày 26/7/2019) bất ngờ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và đưa về Hà Nội phân tích kiểm nghiệm để thêm một lần nữa xác định chất lượng nước sạch và nguồn nước con sông Đào vốn hiền hòa, xanh trong và mát lành của quê hương xứ Nghệ thực chất có bất thường hay không?
Các cụ từ xưa đã dạy “bàn tay không che nổi mặt trời”, có lẽ vậy nên sự thật khách quan lại một lần nữa hiện hình rõ nét một cách minh bạch, chuẩn chỉ. Biên bản kiểm tra ngày 29/7/2019 có đoạn “kết quả thứ nghiệm sẽ được thông báo sau khi có kết quả”. Công luận lại một lần nữa thở phào, có lẽ hành trình tới chân lý sẽ đến hồi tới đích?
Nhưng không, sự bất thường vẫn tiếp tục kéo dài và tái diễn. Từ đó tới nay (đã hơn 50 ngày) mà những sự thật khách quan này vẫn chưa được UBND tỉnh Nghệ An cũng như đích thân “ông tổ trưởng” công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như công bố minh bạch trong hệ thống quản lý hành chính để người dân cũng như doanh nghiệp chấm dứt nỗi hoang mang, lo lắng không đáng có. Vì sao người dân Nghệ An và các doanh nghiệp phải gánh chịu những nỗi niềm này?
Những câu hỏi đau đáu này, tác giả trân trọng dành cho mỗi bạn đọc và những người có trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An tự tìm câu trả lời để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An được hưởng một môi trường sống trong lành, yên bình như dòng sông Đào, sông Lam vốn hiền hòa, thân thuộc với người dân xứ Nghệ từ ngàn đời xưa cho đến hôm nay.