Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 17/04/2020 02:43 (GMT+7)

Ai đã ‘lơ’ đi để giang hồ Đường ‘Nhuệ’ lộng hành trong suốt thời gian dài?

Sau khi vợ chồng đại gia bất động sản Đường “Nhuệ” bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam vì tội “Cố ý gây thương tích”, nhiều đơn tiếp tục tố cáo Đường “Nhuệ” có hành vi liên quan đến việc tham gia các cuộc đấu giá đất, bảo kê dịch vụ mai táng, huỷ hoại tài sản,…

Giang hồ Đường “Nhuệ” lộng hành sao bây giờ mới bị khởi tố?

Việc hai vợ chồng “đại gia” Đường “Nhuệ” bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án “Cố ý gây thương tích” đang dần hé lộ về một “tập đoàn” xã hội đen hoành hành trong suốt nhiều năm qua ở tỉnh Thái Bình. Dưới lớp vỏ bọc doanh nhân, vợ chồng Đường “Nhuệ” thực chất phất lên nhờ hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, kinh doanh bất động sản theo kiểu xã hội đen… Cái tên vợ chồng Đường “Nhuệ” trong suốt gần chục năm qua đã trở thành nỗi khiếp đảm và bức xúc của người dân Thái Bình.

Đáng nói là nhiều hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng này đã được người dân tố cáo tới các cơ quan chức năng nhưng đều rơi vào im lặng, khi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình khẳng định “đã xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Nhưng đến nay hàng loạt hành vi vi phạm mới bị điều tra, khởi tố.

Hành hung người tại trụ sở công an

Theo đó, bà Đ. T. L. (56 tuổi), trú số nhà 2, ngõ 331, phường Trần Lãm, TP. Thái Bình từng tố cáo Đường “Nhuệ” hành hung mình và người thân ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm vào sáng ngày 18/11/2014. Tại phòng tiếp dân, Nguyễn Xuân Đường đã hành hung cả 2 mẹ con bà L. khiến anh D bị vỡ xương hàm mặt cầu nồi bên phải, phải phẫu thuật điều trị với tỷ lệ thương tật 15%.

Hình ảnh anh D. nhập viện vì bị hành hung ngay tại trụ sở Công an.

Tuy nhiên, vào ngày 05/01/2015, Công an TP. Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”. Nhưng 6 tháng sau, công an TP. Thái Bình lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án trên với lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và “hết thời hạn điều tra”.

Ngày 16/4/2020, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 14/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Bình đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án số 01, hủy Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 10/QĐ ngày 05/7/2015 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Bình đối với vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP. Thái Bình để tiến hành điều tra tiếp. Nhưng tất cả cũng rơi vào im lặng.

Doanh nghiệp tố bị “xã hội đen” Đường “Nhuệ” bức tử

Theo đó, khi chủ doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ Lâm Quyết là ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết có đơn trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan Công an TP. Thái Bình, tố cáo việc Đường “Nhuệ” chỉ đạo nhóm người xăm trổ, mang theo hung khí đến trụ sở Công ty Lâm Quyết để xiết nợ, đập phá đồ đạc, đuổi công nhân ra ngoài, lấy đi tài liệu, sổ sách (kèm hình ảnh, file ghi âm cuộc gọi, ghi âm đối thoại), Công an TP. Thái Bình không tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định thủ phạm cũng như mức độ thiệt hại, theo quy định của pháp luật.

Trung tá Cao Giang Nam – Phó Trưởng Công an TP. Thái Bình, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho rằng sau khi xem xét các hình ảnh, chứng cứ, tổ chức lấy lời khai của những người có liên quan, cơ quan điều tra xét thấy không có dấu hiệu hình sự, phạm tội của nhóm người do ông Đường phái xuống Công ty Lâm Quyết nên đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trụ sở Công ty Lâm Quyết tan hoang.

“Làm luật” với cả người chết

Liên quan đến việc “làm luật” các công ty dịch vụ làm tang lễ, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết, CQĐT Công an tỉnh đang yêu cầu rà soát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2017 đến nay, thống kê hơn 5.000 trường hợp. Với số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng, Công ty Dương Đường thu phế hàng tỷ đồng. Nếu các văn phòng làm dịch vụ mai táng không hợp tác, nhóm này sẽ hành hung, đe dọa không cho tồn tại.

Cần làm rõ nhóm lợi ích, bao che, chống lưng

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), cho rằng việc có thế lực nào “chống lưng”, “bảo kê” cho băng nhóm của vợ chồng Đường “Nhuệ” hay không, phải đợi cơ quan chức năng điều tra, song dư luận về vấn đề này đặt ra yêu cầu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình phải vào cuộc để làm rõ. Ngay cả khi thế lực nào chống lưng cho vợ chồng Đường “Nhuệ” còn phải đợi làm rõ, thì việc giữa thanh thiên bạch nhật mà 2 vợ chồng khuynh đảo cả một thành phố khiến người dân bức xúc trong suốt chục năm là trách nhiệm của Bí thư và Chủ tịch UNDN TP. Thái Bình.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về UBND, cơ quan chuyên môn trong việc để doanh nghiệp của vợ chồng Đường “Nhuệ” hoạt động theo kiểu xã hội đen, thâu tóm những lô đất vàng với giá thấp rồi bán lại với giá rất cao.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, để cho băng nhóm này có các hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, thậm chí đánh người ngay tại trụ sở Công an, thuộc về trách nhiệm của cơ quan Công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Đáng nói, ông Hòa cho rằng, theo phản ánh của nhiều người dân và báo chí thì rất nhiều người đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm vợ chồng Đường “Nhuệ”, nhưng cơ quan chức năng lại “ngó lơ”, “bỏ qua”, vì cho rằng không đủ chứng cứ để xử lý.

“Băng nhóm của vợ chồng Đường ‘Nhuệ’ thực hiện hành vi sai phạm kéo dài như thế mà tại sao cơ quan chức năng lại bỏ qua, tới giờ này vẫn còn tồn tại? Cơ quan chức năng của Thái Bình phải vào cuộc quyết liệt, không bỏ qua bất cứ lĩnh vực nào”, ông Hòa kiến nghị.

Nhấn mạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng làm công tác phòng, chống tội phạm, nhất là lực lượng công an trên địa bàn trong vụ việc, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, phải xem xét và làm rõ, đầy đủ vụ việc Đường “Nhuệ” theo những phản ánh của người dân từ trước tới nay, chứ không chỉ dừng lại vụ việc đánh người gây thương tích.

“Phải kiểm điểm lại xem từ trước tới nay có phải đã có thông tin tố giác tội phạm mà cơ quan công an không làm, thì phải xem xét trách nhiệm của những người lãnh đạo tại thời điểm đó”, ông Nhưỡng đề nghị.

Cần xem xét lý do tạm đình chỉ vụ án

Trả lời Lao động, Trung tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho rằng việc tạm đình chỉ vụ án liên quan đến Đường “Nhuệ” hành hung người dân tại Công an phường Trần Lãm của  Công an TP. Thái Bình do không xác định được bị can là thiếu thuyết phục.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho hay, theo diễn biến vụ việc, thì hành vi của Đường “Nhuệ” đánh hai mẹ con bà Đinh Thị L. và Mai Bá D. (anh D. bị thương tích 15%) tại trụ sở có dấu hiệu của 2 tội là “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Theo trung tá Hiếu, vụ việc này xảy ra giữa ban ngày tại trụ sở Công an thì không thể nói không xác định được bị can. Do đó quyết định tạm đình chỉ điều tra với lý do không xác định được bị can thì không có căn cứ. “Bằng mắt thường có thể xác định là chuyện tạm đình chỉ do không xác định được bị can là không thuyết phục”, ông Hiếu cho hay.

Phân tích về vụ việc này, Trung tá Hiếu cho rằng hành vi đánh người còn có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng”. Theo Trung tá Hiếu, đây là trụ sở của cơ quan Công an nhà nước, ở phòng tiếp dân – nơi công cộng thường xuyên xảy ra các hoạt động tiếp dân, giải quyết những việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Hành vi này còn gây cản trở, gián đoạn hành động của cơ quan nhà nước. Ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an tại trụ sở được coi là an toàn để bảo vệ người dân. Vậy mà hành vi phạm tội diễn ra công khai giữa ban ngày như vậy tại trụ sở Công an, gây huyên náo của nhiều đối tượng.

Việc đánh người dân tại trụ sở Công an thể hiện cao độ thái độ coi thường pháp luật, thái độ khinh nhờn kỷ cương pháp luật. Chính hành vi này không được giải quyết thì không thể chấp nhận được.

Trung tá Hiếu cho hay, việc cơ quan điều tra Công an TP. Thái Bình phục hồi điều tra vụ án là hoàn toàn có căn cứ và cần thiết của nhiều yếu tố như pháp luật, chính trị, dư luận.

Tiếp theo, ngoài việc phục hồi điều tra thì phải xem xét lý do tạm đình chỉ điều tra. Nếu có yếu tố sai phạm, bao che ở đây thì cần được xử lý nghiêm khắc đối với những người có hành vi vi phạm.

Đây thực ra là xâm phạm hoạt động tư pháp, vì yếu tố nào đó mà bỏ lọt tội phạm. Việc cần xem xét là trách nhiệm xem có thỏa mãn những dấu hiệu về tội phạm hay không. Xem xét trên nhiều khía cạnh như tổ chức hành chính, kỷ luật, hình sự.

“Nếu chứng minh được bỏ lọt tội phạm, bao che tội phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Luật không có vùng cấm, ai sai cũng phải xử lý”, Trung tá Hiếu nói.

Cùng chuyên mục

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: VKS đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngày 15/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia
Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...