Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 28/07/2021 16:57 (GMT+7)

Ai đã tham mưu khiến lãnh đạo Bộ Y tế ký duyệt rồi lại thu hồi công văn số 5944?

Cục Quản lý Y Dược cổ truyền do ông Nguyễn Thế Thịnh làm Cục trưởng chính là đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YHCT, sau đó lại đề xuất Bộ thu hồi do có một số nội dung chưa phù hợp?

Ngày 24/7/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Công văn này có nội dung Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước căn cứ công văn này "tham khảo, lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và F1 tại địa phương".

Kèm theo công văn này có phụ lục với danh mục 26 sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe. Đáng chú ý, 26 sản phẩm nằm trong danh mục này lại chủ yếu do 5 đơn vị sản xuất, trong khi đó, các sản phẩm tương tự được bán trên thị trường rất nhiều.

Dù Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp không tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền liên quan đến các biện pháp phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 kèm theo danh mục nói trên. Chi phí chế biến, bào chế thuốc cổ truyền và chi phí khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền liên quan đến dịch bệnh COVID-19 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng vẫn có tình trạng một số sản phẩm nằm trong danh mục kèm theo Công văn số 5944 có dấu hiệu tăng giá chóng mặt, điển hình là các sản phẩm Viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương.

Nội dung công văn số 5944 cũng nêu: Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện “căn cứ thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm công văn này để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu…”

Quá trình tìm hiểu cho thấy, theo quy định hiện hành, nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng và sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được phép kê đơn, chỉ được "tư vấn". Nhưng trong công văn hướng dẫn của Bộ Y tế lại ghi rõ tên một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ để các đơn vị, cụ thể là Sở Y tế các tỉnh, thành phố trung ương "tham khảo lựa chọn đấu thầu, mua sắm"; điều này làm rộ lên nghi vấn, phải chăng công văn số 5944 của Bộ Y tế đang có dấu hiệu của một một hình thức "chỉ định thầu"?

Ai đã tham mưu khiến lãnh đạo Bộ Y tế ký duyệt rồi lại thu hồi công văn số 5944? ảnh 1

Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền là đơn vị tham mưu cho Bộ Y tế trong cả việc ban hành và thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT.

Chỉ ít ngày sau khi được ban hành, ngày 26/7/2021, Bộ Y tế có công văn số 5967/BYT-YDCT do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký, gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện y học cổ truyền Bộ, ngành và các tỉnh thành phố, các bệnh viện chuyên khoa… về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT. Lý do khiến Bộ Y tế thu hồi công văn số 5944 là do có một số nội dung chưa phù hợp.

Liên quan đến việc Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT rồi lại thu hồi sau đó 2 ngày, được biết, đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trong việc ban hành rồi lại thu hồi công văn gây nhiều tranh cãi này chính là Cục Quản lý Y Dược cổ truyền – do ông Nguyễn Thế Thịnh là Cục trưởng.

Qua trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết: Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Y Quản lý Y Dược học cổ truyền đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp hỗ trợ trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các công ty ủng hộ cũng như những chế phẩm của hai bệnh viện: Y học cổ truyền Bộ Công an và Y học cổ truyền Quân đội; đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến của Bắc Giang cho thấy kết quả bước đầu an toàn và có hiệu quả.

Trong đợt dịch ở TP. HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để kết hợp các phương pháp của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, Cục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại phía Nam về việc tiếp nhận sự hỗ trợ các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để sử dụng phù hợp cho những người là F1 đang cách ly tập trung và F0 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa.

Đồng thời, Cục cũng đã hướng dẫn các đơn vị y học cổ truyền trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tham khảo, nghiên cứu để có thể xây dựng các bài thuốc y học cổ truyền và tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, sau khi công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.

“Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến công văn 5944/BYT-YHTC, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”, ông Nguyễn Thế Thịnh nói.

Ông Nguyễn Thế Thịnh cũng cho biết thêm: Lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát để có hướng dẫn phù hợp nhằm bảo đảm huy động được mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Ai đã tham mưu khiến lãnh đạo Bộ Y tế ký duyệt rồi lại thu hồi công văn số 5944? ảnh 2

Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh đã từng ký nhiều công văn do gửi tới Sở Y tế một số địa phương, trong đó hướng dẫn các đơn vị này sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương từ khi sản phẩm này còn chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.

Đáng chú ý, trước khi tham mưu cho Bộ Y tế ban hành và thu hồi công văn số 5944/BYT-YHCT, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng đã từng ban hành nhiều công văn do Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh ký gửi tới Sở Y tế tại nhiều địa phương – những nơi đang là “điểm nóng” dịch COVID-19 về việc sử dụng sản phẩm YHCT và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản phẩm YHCT trong phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19.

Trong các văn bản này, thậm chí, Cục Quản lý y dược cổ truyền còn hướng dẫn các địa phương sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương từ khi sản phẩm này chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.

Việc để một đơn vị đã từng ban hành nhiều công văn hướng dẫn sử dụng cả sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chưa được cấp phép như Cục Quản lý Y Dược cổ truyền làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YHCT có dấu hiệu “chỉ định thầu", sau đó lại tham mưu Bộ ra công văn thu hồi khi vấp phải những ý kiến trái chiều liệu đã thực sự thoả đáng? Trong trường hợp xảy ra sai sót, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19, trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Y tế?

Cùng chuyên mục

Tin mới